Đêm Trung Thu
*** Truyện Ngắn ++ Hàn Thiên Lương
Nhân tựa mình trên ghế say
mê đọc tập thơ’’ Hờn Chiến Mã’’ thì Thủy, vợ chàng đến sát, lắt vai chàng và
nói:- kìa anh nhìn ngoài thềm
xem bé Trí đã đốt được cái
đèn kéo quân rồi!
Nhân nhìn con tỏ vẻ bằng lòng và cất tiếng:-
Trí nó cũng thông minh, hôm qua anh chỉ sơ cho nó cách đốt đèn và cách làm cho
đèn xoay,
chỉ có một lần thôi, thế mà
nó làm được!
Thủy tiếp lời:- ờ, cậu loay hoay từ hồi chiều
đến bây giờ đó, ham lắm!
-Anh còn nhớ lúc nhỏ, học tiểu học, đêm trung
thu mà trăng sáng như đêm hôm nay thì vui lắm!
Thủy trở giọng buồn buồn:- ừ lúc nhỏ thì vui,
nhưng lúc lớn nhiều Tết Trung Thu buồn lắm nhất là Tết Trung Thu năm 1975, anh
đi trình diện rồi chúng nó giấu anh biệt
tăm. Em và chị Tính vợ anh Đức, bạn anh, đi mãi lên Tây Ninh, dân họ nói nhốt
anh trong chiến khu của chúng; em và chị Tính phải thuê người dân địa phương dẫn
đi, đi mãi đến tối mà chưa tìm ra, lại
phải vào nhà dân xin ở trọ!. Đêm đó sợ muốn chết, hai chị em thức ngồi ngoài thềm
nhà nói chuyện, đêm đó đúng là đêm Trung Thu, cảnh vật thì sáng rực nhưng trong
lòng em đầy lo lắng , không biết ngày mai sẽ ra sao! Anh biết không hôm sau phải
đi đến mười hai giờ trưa, tới trại giam nhưng họ đâu có cho vào thăm!. Hai chị
em đành trở về và khóc hết nước mắt!. Lúc đó mình cưới nhau được sáu tháng thì
nạn nước xãy ra, em cô đơn vô cùng, chỉ có ông ngoại anh là người an ủi và giúp
đỡ em nhiều!
Nhân ngắt lời:- em biết không, anh là đứa mồ
côi cha mẹ, từ nhỏ anh sống với ông ngoại đó!. Ba anh là thầy giáo tiểu học dạy
ở quận Đức Hoà, ông rất hiền lành, thế mà vào năm 1950 tụi Việt Minh đêm khuya
tới nhà bắt ba anh kết tội là tề điệp rồi bắn chết! Mẹ anh quá sợ không dám ở lại
vùng quê hẻo lánh, dắt anh về Gia Định ở với ông ngoại, nhưng chỉ hai năm sau mẹ
anh bạo bệnh phải qua đời!. Anh là đứa con trai mồ côi khi lên bốn, cũng may
còn ông ngoại bảo bọc và cho anh trọn vẹn tình thương. Cho nên lúc Anh hoạn nạn
ông ngoại thương em là phải đó!
- Nè anh sao kỳ thật, năm 1980, em ra Vĩnh Phú thăm anh, đò từ Ấm
Thượng vào Bến Ngọc hỏng máy, đến nơi khuya quá, phải chờ đò để qua K3, trên trời
trăng tròn sáng rực. Một người cùng đi thăm tù buông lời:- tối nay là Tết Trung
Thu. Em thầm nghĩ sao trong đời ta cứ gặp những đêm Trung thu buồn!.
- Nhân liếc qua vợ và mĩm cười và nói:- Hồi mùa Hè đỏ lửa, đơn vị
anh được lệnh chiếm lại Cổ Thành Quảng Trị cũng vào mùa Trung Thu, khi họp kế hoạch cho tiểu đoàn tấn công, xếp
anh bảo tụi mình được chia nửa cái bánh Trung thu đó, gắng giành cho được nha
anh em.
Bánh nầy không có nhân đậu
xanh hột vịt mà toàn AK, B40 xác VC đó.
-Anh sao cổ thành Quảng Trị mà gọi là bánh
Trung Thu,Thủy hỏi.
-Tại vì nó vuông vức tựa chiếc bánh Trung
thu, cũng trong cuộc tiến quân lọt được vào cổ thành, các ổ kháng cự của địch bị
tiêu diệt gần hết, ngọn cờ tổ quốc tung bay trong gió thu lồng lộng, anh đang tựa
sát tường thành thì một phát đạn nổ chát chúa, ghim vào cạnh sườn bên trái của
anh. May quá bên ta làm chủ trận địa nên anh được tản thương kịp thời, sau đó
được đưa về Bệnh Viện Cộng Hòa...Như định mệnh an bày chúng mình gặp nhau tại đấy!
-Thủy tiếp lời:- hôm đó em không nhớ đoàn nào
đến bệnh viện ủy lạo thương binh, nhưng nhóm sinh viên Văn khoa có mười người
đi theo trong đó có em. Khi vào một phòng có hai người nằm thì một người thấy mệt
mõi lắm , còn anh thì tỉnh, đang nằm đọc báo.
- Lúc em vào thăm thì anh đã nằm đó ba tháng
rồi, gần xuất viện.
- Khi còn đứng trước phòng cô nữ trợ tá giới
thiệu anh là trung úy Thủy Quân Lục Chiến. Qua sau năm phút nói chuyện được biết
trước khi vào lính anh cũng học Văn khoa, tụi nầy mới cảm thấy gần gủi anh như
bạn cùng thầy. Trời đất, lúc đó em thấy anh có nghĩa quá, anh hỏi thăm nào là
thầy Đông Hồ, thầy Nguyễn duy Cần, thầy Đào văn Dương, thầy Lê thành Trị, cô Phạm
thi Tự...Lời nói của anh hôm đó thu hút em hoàn toàn, cho nên khi phái đoàn trở
về, em lén trở lại gặp anh. Thế là từ đó không biết bao là thương nhờ đợi chờ!
- Nhân liếc qua Thủy đặt tay lên vai nàng ân
cần nói:- hạnh phúc chỉ đến với ai biết chờ đợi đó em!
-Thủy nhìn Nhân mĩm cười, niềm vui hiện rõ và
nàng tiếp tục câu chuyện:- nước ta chịu ảnh hưởng văn hóa Tàu nên có nhiều cái
Tết như Tết Nguyên Đán , Tết Trung thu, Tết Đoan Ngọ, Tết Hàn Thực...
-Anh nghĩ bây giờ chỉ có Tết Nguyên Đán và Tết
Trung Thu là còn đậm nét trong sinh hoạt của dân ta, còn các Tết kia thi phai mờ
rồi, nhiều người cũng không biết đến!
- Anh ơi, mỗi cái Tết đều có sự tích, nếu
mình biết được thì cũng hay hay! Như Tết Trung Thu, theo sách Điển Hay Tích Lạ
của giáo sư Nguyễn Tử Quang, cuối thời tiền Hán suy vi, Vương Mãng cướp ngôi
vua lập ra nhà Tần. Bấy giờ có người tôn thất của nhà Hán tên là Lưu Tú nổi lên
chống Vương Mãng, nhưng binh lực còn yếu, bị Vương Mãng bao vây lâu ngày nên hết
lương thực, binh sĩ phải đào củ chuối mà ăn, sau rồi củ chuối cũng không còn.
Lưu Tú rất lo lắng, bèn đặt
hương áng, cầu xin Thựơng đế ban phép mầu cho mọc vật chi để binh sĩ ăn đỡ
lòng, có sức cầm cự chờ viện binh. Lời cầu nguyện được ứng nghiệm: sáng hôm sau
binh sĩ đào đất xem có vật chi có thể ăn được, bỗng đào được một thứ khoai. Đó
là khoai môn ăn rất ngon. Nhưng binh sĩ ăn nhiều quá bị sình bụng, không tiêu
được. Lưu Tú sợ, lại đặt bàn hương áng cầu nguyện.
Ba hôm sau,
binh sĩ đi tìm thức ăn, bỗng gặp
một loài cây bưởi ăn rất ngon, chúng hái đem về ăn, lại chữa hết bịnh , nhờ vậy
có sức cầm cự chờ viện binh tới cứu. Ngày mà Lưu Tú cầu trời là ngày rằm tháng tám âm lịch.
Sau Vương Mãng bị giết, hai năm sau Lưu Tú
toàn thắng, lên ngôi tức là Quang Võ Đế nhà Hậu Hán. Quang Võ đóng đô ở Lạc
Dương , miền Đông nước Tàu nên gọi là Đông Hán.
Vì muốn kỷ niệm những vật đã nuôi sống mình
trong cơn hoạn nạn, nên ngày rằm tháng tám, nhà vua làm lễ tạ ơn trời đất, thưởng
trăng bằng khoai môn và trái bưởi. Sau đó thành tục lệ lưu truyền rộng rãi
trong dân gian, hai vật nầy là hai vật chính mà người Tàu dùng để cúng trăng.
Sau đó dần dần người ta có bày thêm bánh in có đề chữ Trung Thu Nguyệt Bỉnh, tổ
chức thành cái lễ long trọng gọi là Tết Trung Thu.
Nhân tiếp lời vợ:- Khi nói đến Tết Trung Thu
là nói đến trăng tròn, trăng sáng, trăng đẹp, nên người Tàu còn gọi Tết Trung
thu là lễ Trông Trăng, trông để đoán thời cuộc, đoán thời tiết mùa màng, trông
trăng để nhà thơ tìm thi hứng.Thơ về mùa thu nhiều lắm, có bài thật hay nhưng
anh thích nhất những câu thơ của Tản Đà:
‘’Đêm thu buồn lắm chị Hằng
ơi
Trần thế em nay chán nửa rồi
Cung quế có ai ngồi đó chửa
Cành đa xin chị nhắc lên
chơi.’’
Lúc đó bé Hằng, con gái lớn của Nhân và Thủy
vừa lên mười tuổi, đang chơi đèn với em Trí, nghe ba đọc mấy câu thơ có tên Hằng,
cháu ngó ba cười và nói:
- Ủa sao có tên Hằng vậy?
Hai vợ chồng nhìn con, cười
vui với sự ngây thơ đáng yêu của con Thủy đáp:- Hằng là chị Hằng Nga trên cung
trăng chứ không phải Hằng con của bố Nhân đâu nhé.
Riêng bé Trí vừa được Ba cho chiếc lồng đèn
kéo quân lạ hơn các món đồ chơi điện tử, nên bé thích, đang say mê, bé chẳng buồn
để ý đến câu chuyện của người chung quanh.
Bé Hằng bắt tiếp câu chuyện :- Ba má ơi trên
cung trăng cũng có người sao?
-Có nhưng người trong cổ tích con ạ, Thủy đáp
-Cổ tích hả má , kể đi con thích lắm đó.
Nhân với tay xoa tóc con và hỏi: -bây giờ con
đọc và viết tiếng Việt rành chưa?
- Dạ ở trường bạn và thầy đều là người Mỹ nên
học được tiếng Mỹ mau lắm. Ở nhà mẹ dạy con tiếng Việt bây giờ con cũng rành,
nay con thích đọc truyện Việt
Nam lắm. Ba ơi con thích Hai Bà Trưng lắm!
Lúc đó Thủy đang cắt mấy chiếc bánh trung thu
và cất lời:- hôm qua bé lấy tập thơ của anh ra và lựa bài Trung Thu, có bốn câu
bé cứ đọc đi dọc lại và đòi má giải thích từng chữ.
Nhân nhìn con và bảo: Hằng đọc thơ cho ba
nghe đi
Bé Hằng vâng lời đọc:
‘’Trăng quê hương ngày xưa tròn vành vạnh
Ánh thu vàng rạng chiếu mái đầu xanh
Ưèn lồng tay bé thơ vui tiếng hát
Trọn niềm tin sông núi đẹp thanh
bình’’
Nhân lại hỏi:- đọc thì giỏi nhưng có hiểu
không con?
-Hiểu , con hiểu, hôm qua má giải thích kỹ lắm
Nhân cũng nhìn Thủy với sự thỏa lòng trọn vẹn
và hạnh phúc tràn ngập trong lòng chàng!
-Thôi bây giờ ba kể chuyện chị Hằng Nga cho
bé nghe đi, Thủy nói.
- Nhân đáp:- Chà lâu quá nay anh còn nhớ đại
khái, nhưng nói đến Hằng Nga trước tiên
phải nói đến Hậu Nghệ, chồng của chị Hằng.
Sự tích như sau:’’trong thuở
xa xưa, con người sống trong cõi thanh bình, không ai bức hiếp aiẨCon người
không sợ họa con người, chỉ sợ thiên tai! Một hôm bỗng trời nóng như lửa đốt,
đâu đâu cũng bị hạn hán, người thú chết như rạ. Lý do trên vùng đất cuối biển
Ưông có hang Dương, nơi đầy có mười con quạ sống, vâng lệnh Ngọc Hoàng thay
phiên nhau ban ánh sáng cho thế gian.Từ ngàn xưa chỉ có một con quạ ra biến hoá
thành mặt trời, chiếu ánh sáng xuống mặt đất, giúp cho vạn vật sinh hóa. Nhưng
một hôm cả mười con quạ xuất hiện một lượt, biến thế gian thành hỏa ngục; đang
lúc tiếng khóc của chúng sinh vang dậy, có một vị anh hùng xuất hiện, đó là Hậu
Nghệ.
Hậu Nghệ là người võ nghệ phi thường, có hai
người học trò tài nghệ xuất chúng đó là Phùng Mông và Ngô Cường. Ngay lập tức
Nghệ dùng nỏ thần bắn chết chín con quạ, còn một con Nghệ định giết nốt, nhưng
Phùng Mông can:
-Thưa thầy, nếu thầy giết chết tất cả quạ
thì vũ trụ sẽ chìm trong đêm tối vĩnh viễn!
Nghệ nghe lời khuyên đó nên cất nỏ thần. Nhờ
đó vạn vật trở lại xanh tươi, dân chúng an lạc, coi Hậu Nghệ là vị anh hùng và
tôn Nghệ làm hoàng đế.
Nhưng chỉ mười năm sau Hậu Nghệ trở thành một
hôn quân, hoang dâm vô độ, dân chúng thì lầm than tột cùng!. Nghê kiêu căng ,
cho mình sẽ trường sinh bất tử , vì có Linh Chi thảo do một vị tiên ông cho!.
Trườc người ta tôn vinh Nghệ nay người ta
ai cũng ghê sợ, Nghệ đi đến đâu
thì người ta xa lánh. Nghệ tức giận sai Ngô Cường tàn sát. Riêng Phùng
Mông can gián Nghệ không được nên bỏ thầy đi họp đảng chống lại.
Vợ Hậu Nghệ là Hằng Nga, là một thiếu nữ tuyệt
đẹp, là con chim trên đồng nội, tiếng hát tuyệt vời, Ngô Cường bắt về dâng cho
thầy. Hằng Nga được Hậu Nghệ sủng ái, cho giữ cỏ Linh chi và bị Ngô Cường canh
chừng nghiêm nhặt. Nàng sống trong sự đau buồn, nhớ cha mẹ, nhớ đồng xanh , nhớ
miền hoang dã của nàng. Ngày ngày nàng ôm con thỏ ngọc cất lên tiếng hát buồn:
‘’Ta chỉ là con chim nhỏ
Yêu thiên nhiên, tiếng hát tuyệt vời
Nay sống trong lòng son bỡ ngỡ
Nhìn qua song thương nhớ khung trời
Ẩ.Ta nhớ cảnh bao la trời rộng
Thương núi rừng sông nước mênh mông
Những chiều gió phương Nam lồng lộng
Tình hoài hương khoắc khoải trong lòng.
-Thả ta ra trở về đồng nội
Trong lòng son ta chết mõi mòn.
Trước sự tàn bạo của chồng, Hằng Nga không
can được, nàng nghĩ rằng nếu Hậu Nghệ trường sinh bất tử thì dân chúng mãi mãi
lầm than, nên nàng ăn hết cỏ Linh chi, để Nghệ không còn dùng cỏ tiên mà trường
sinh nữa.
Vừa nuốt hết cỏ tiên, Hằng Nga cảm thấy cơ thể
nàng được nhắc bổng lên, nàng ôm thỏ ngọc vào lòng, qua cửa sổ bay lên cung
trăng.
Hậu Nghệ đi săn về thấy mất Hằng Nga, chàng tức
giận giết chết Ngô Cường! Nghệ chạy ra ngoài nhìn lên thấy bóng Hằng Nga thấp
thoáng trong trăng, chàng hô quân sĩ đem nõ thần ra và chàng bắn thẳng lên mặt
trăng ba phát, mặt trăng không hề hấn gì, vẫn tiếp tục rạng chiếu lung linh.
Bỗng cụ già xuất hiện, nhìn ra là ông lão đã
cho Nghệ Linh chi thảo cách đây mười
năm. Cụ già liệng ba mũi tên xuống đất và nói:
-Già hỏi cố nhân:- mười năm
trước, ta có nói với cố nhân rằng việc trị đời không khó, nếu ta biết quên mình
mà lo cho đời, mình phải biết lo trước người và vui sau khi người vui. Dân qúi
nhất, nước quí thứ hai, thứ ba mới tới vua. Cố nhân hứa sẽ làm đúng lời ta nói
và tha thiết muốn sống mãi để hoàn thành sự nghiệp. Ta đã nghĩ đời sống thì hữu
hạn mà sự nghiệp thì vô cùng nên ta có cho cố nhân Linh chi thảo.Vậy mà khi nắm
được quyền hành trong tay, cố nhân lại quên hết, chúng sinh lầm than đau khổ dưới
gót sắt của cố nhân. Sự nghiệp nay chắc chắn tan hoang rồi, cố nhân có thức tỉnh
chưa?
Nghệ gục xuống , thều thào xin cụ già chỉ dạy!
Cụ già nói:- mọi việc đã trễ rồi, cố nhân hãy
cởi bỏ long bào đi và thực lòng ăn năn mới bảo toàn được tính mạng!
Nghe vậy, Nghệ nổi giận, tuốt gươm chém Cụ
già và lớn tiếng:- ‘’Sao ta bỏ quyền hành được’’
Cụ hất thanh gươm rời khỏi tay Nghệ và bình
thản nói:-Đến bước đường cùng mà cố nhân còn hiếu sát!
Bóng trăng chìm vào vầng mây trắng, cụ già biến
mất. Ngay lúc đó Phùng Mông đem đại quân đến bao vây. Phùng Mông chỉ vào Hậu
Nghệ
nói:-Thầy đã gây biết bao tội
ác, nay xin thầy tự xử lấy.
Hậu Nghệ nhìn lên bóng trăng mờ gọi to-:Hằng
Nga! Hằng Nga...đoạn dùng gươm đâm vào cổ chết. Xác Nghệ ngã xuống giữa tiếng
reo hò của dân chúng!
Trong cung trăng, bên cây quế cao, mùi thơm
ngào ngạt, Hằng Nga ngồi xem thỏ ngọc tán thuốc, thỉnh thoảng nàng thở dài sa
nước mắt, thương nhớ trần gian, xa xa làn khói lam chiều quyện trên mái lá, Hằng
Nga mơ tưởng đến quê hương yêu dấu của mình. Còn ở đây bốn bề vắng lặng, không
có bốn mùa, không sinh không hóa. Hoa không nở mà cũng không tàn; suốt ngày hiu
quạnh lẻ loi, Hăng Nga muốn trở về trần gian, nhưng sao được, vì nàng đã ăn cỏ
Linh chi, phải sống kiếp trường sinh, trẻ mãi đẹp mãi, quanh năm cô quạnh nơi
chốn Quảng Hằng!>>
Kể tới đây như hết chuyện cổ tích, Nhân với lấy
miếng bánh Trung Thu và nghe bé Hằng nói:
-Ba ơi con thích chuyện nầy lắm, hôm nào ba
chép ra cho con, lên lớp cao con dịch ra tiếng Mỹ kể cho cô giáo và các bạn con
nghe trong một buổi’’ author tea’’.
Nhân đáp:- ừ hôm nào ba chép ra cho con.
Ngay lúc đó bé Trí từ ngoài chạy vào nói lè
nhè: con buồn ngủ quá!, con buồn ngủ quá! Bé Hằng nhanh lẹ nắm tay em dìu vào
buồng.
Bấy giờ chỉ còn Nhân và Thủy
ở ngoài, ánh trăng xuyên qua khung cửa kính, đổ ngập vào phòng.
.
Chiếc đồng hồ trên tường thong thả gõ giờ.Nhân
nói nhừa nhựa cố ý chọc Thủy: -anh nghe mười một tiếng đó em, tới phiên anh buồn
ngủ rồi!
Thủy đáp:-à khuya rồi anh vào trước, em dẹp dọn
một tí em vào sau.
Nhân đứng dậy bá vai Thủy và nói:-em bảo từ
trước đến nay em chỉ gặp đêm Trung Thu buồn, nhưng đêm nay phải là Trung Thu hạnh
phúc
Thủy cười và đáp:-hiểu rồi, em hiểu ý anh rồi!
Nhân bước khuất sau buồng và tiếng chàng ngâm
thơ vọng ra:
‘’Trăng quê hương đợi chờ trăng viễn xứ
Buổi tao phùng sáng rực giữa quê hương
Thôi biệt xứ hết đau hồn cô lữ
Núi sông mình thoát khỏi cảnh âm u’’.
Hàn Thiên Lương
No comments:
Post a Comment