Đêm
Cầu Cơ - Lê Nhựt Thăng
Tôi muốn ghi lại đây
câu chuyện cầu cơ mà tôi thường kể lại cho các em học sinh nghe lúc tôi còn đi
dạy tại Saigon. Các em thích nghe câu chuyện siêu hình này vì nó thỏa mãn phần
nào óc tưởng tượng của tuổi học trò. Hình bệnh viện ngày xưa của quân đội Pháp,
đến năm 1955 thì được xây thành Collège Français de Tourane, và vào năm 1963
trường lấy tên là Lycée Blaise Pascal. Câu chuyện xảy ra lúc tôi còn là một học
sinh trường Pháp. Ngôi trường mang tên "Collège Français de Tourane",
trước là một bệnh viện của quân đội Pháp tại thành phố Đà Nẵng.
<!?
Nói đến Đà Nẵng (người
Pháp gọi là Tourane), tôi nhớ lại con sông Hàn chảy dài theo thành phố với
những chiếc ghe đánh cá, những cái thúng mây tròn lớn được chèo đi lại từ ghe
đến bờ sông, dãy núi Sơn Trà và Non Nước. Non Nước là một cảnh đẹp thần tiên, gồm
có năm đỉnh núi nhỏ (còn gọi là Ngũ Hành Sơn) và hang động với thạch nhũ tương
tự như Luray Caverns ở Virginia. Đá cẩm thạch đã được lấy ra từ núi để tạc
thành tượng Phật. Một tượng Phật lớn đã được dựng trong hang động và khách thập
phương đã đến cầu nguyện trong không khí huyền bí và vắng lặng của thiên nhiên.
Tôi cũng không quên các tượng đá với đường nét điêu khắc tuyệt hảo trong
"Bảo tàng viện Chàm" (Musée Cham) của thành phố Đà Nẵng. Các pho
tượng là di tích của nền văn minh Chàm và cũng là dư âm của nỗi buồn diệt
chủng.
Tôi xin trở lại câu
chuyện cầu cơ. Tôi là học sinh nội trú của trường nói trên nên còn nhớ những
cảnh vật quanh trường. Trường chia ra thành hai khu nội trú, một dành cho nam
và một cho nữ, nhưng phòng học và phòng ăn thì chung. Hai khu nội trú chỉ cách
nhau một chiếc cầu nhỏ ẩn mình dưới một cây đa lớn. Những mối tình vụng trộm và
lãng mạn cũng đã được nảy sinh quanh chiếc cầu và gốc cây đa là nơi hẹn hò lý
tưởng. Nhưng điều tôi muốn nói ở đây là cây đa cao lớn, âm u, đầy vẻ ma quái trong
những đêm trăng mờ ảo. Mỗi lần đi học về, băng qua cây cầu và cây đa, tôi đã
tưởng tượng đến một thế giới vô hình. Hơn nữa, vì ngôi trường trước kia là bệnh
viện, một cảm giác lạ lùng thường xâm chiếm lấy trí óc tôi.
Hình cây đa cạnh chiếc
cầu nhỏ. Ngày nay vết tích này vẫn còn, nhưng lạc lõng giữa những xây cất mới.
Ý nghĩ cầu cơ đến với
tôi trong bối cảnh ấy. Tôi rủ một số bạn trong trường, sau giờ học buổi tối và
sau khi tất cả học sinh khác đi ngủ, đến một phòng bỏ trống để cầu cơ. Căn
phòng này thật đặc biệt vì trước kia là phòng mổ của bệnh viện, tường trắng
toát, không khí lạnh lùng, và có một cửa sổ nhìn ra bãi tha ma. Đó là khung
cảnh lý tưởng để cầu cơ. Vật dụng để cầu cơ gồm có một con cơ hình quả tim được
đẽo từ ván hòm, một bàn cầu cơ bằng giấy, hương và hoa quả để cúng. Chúng tôi
chọn ba người để tay vào con cơ và trực tiếp đặt câu hỏi nhưng số người đứng
tham dự chung quanh thì nhiều hơn. Tôi tin rằng số người tham dự đông thì
"nhân điện" gián tiếp giúp con cơ chạy mạnh hơn và tiềm thức tập thể
ảnh hưởng buổi cầu cơ mạnh hơn.
Một trong ba chúng tôi
bắt đầu đọc bài cầu cơ. Tôi không còn nhớ rõ nguyên văn bài cầu cơ này. Nhưng
tôi còn nhớ nội dung lời cầu, đại ý gọi hồn người khuất mặt nhập vào cơ, lời
cầu nghe rất buồn và gây một cảm giác "lạnh người" như có luồng âm
khí trong phòng. Xen vào đó là mùi hương ngào ngạt, cây đèn cầy cháy leo lét
trong đêm... Không bao lâu thì con cơ bắt đầu di động, càng lúc càng mạnh và
bắt đầu trả lời những câu hỏi.
- Có phải hồn nhập vào
cơ không ?
- Phải.
- Xin cho biết tên gì.
- Tôi tên là Hà Mai
Anh.
- Xin cho biết tuổi.
- Tôi được 17 tuổi khi
lìa trần thế.
- Vì sao cô lại qua
đời quá sớm ?
- Hồng nhan bạc mệnh.
Tôi buồn lắm, nhưng thôi nói để làm chi.
Chúng tôi nhìn nhau
kinh ngạc và thương xót cho kẻ khuất mặt, có một cái tên rất đẹp và chắc chắn
là có nhan sắc và học thức vì cô đã dùng những chữ "hồng nhan bạc
mệnh". Chúng tôi hỏi tiếp:
- Cô hiện giờ ở đâu ?
- Tôi ở nơi một sườn
núi, xa lắm...
- Tại sao cô lại nhập
vào cơ để nói chuyện ?
- Tôi thích các anh,
mỗi đêm thường đến chơi và cũng để nghe tiếng đàn...
Câu trả lời đã làm cho
chúng tôi giựt mình. Chúng tôi biết là trong trường có một anh tên Đ. thường
chơi vĩ cầm mỗi đêm, tiếng đàn rất hay và buồn.
- Có phải cô muốn nói
tiếng đàn của anh Đ. không ?
- Phải.
- Cô thích nghe bản
đàn gì ?
- Tristesse de Chopin.
- Cô có muốn nghe bản
đó bây giờ không ?
- Có.
Thế là chúng tôi mời
ngay anh Đ. đến đàn bản nhạc cô Mai Anh thích. Trong khi anh Đ. đàn thì con cơ
ngưng nói chuyện, chỉ chạy qua chạy lại như đang chăm chú nghe nhạc... Và khi
bản nhạc vừa dứt thì cô Mai Anh khen:
- Anh Đ. đàn hay quá
và bản nhạc nghe thật buồn.
Lúc bấy giờ tôi thầm
nghĩ, người đẹp cõi âm mà thích thì nguy lắm, chẳng khác gì truyện tình liêu
trai.
Để biết thêm về cô Mai
Anh, chúng tôi hỏi:
- Cô Mai Anh biết làm
thơ không ?
- Biết.
Cô Mai Anh ngừng vài
giây và giáng hai câu thơ lục bát mà không bao giờ tôi có thể quên được:
"Âm dương cách
biệt đôi đường
Hồn Mai Anh ở nơi sườn
đồi Nam".
Hai câu thơ trên đúng
vần điệu và rất có ý nghĩa. Cô Mai Anh hình như luyến tiếc cõi trần vì đã ra đi
trong tuổi xuân xanh. Lúc bấy giờ tôi cảm thấy buồn vô hạn, kẻ mình đang nói
chuyện tưởng như đang đứng trước mặt nhưng lại ở một thế giới siêu hình xa xăm.
Vì đã quá khuya nên
buổi cầu cơ tạm chấm dứt. Chúng tôi hẹn gặp lại cô Mai Anh đến hôm sau. Đêm hôm
đó tôi thao thức không sao ngủ được.
Đêm hôm sau, như đã
hẹn trước, chúng tôi vừa ngồi vào bàn cầu cơ là cô Mai Anh nhập vào liền. Chúng
tôi vui mừng và cảm động như gặp lại người thân yêu. Lúc bấy giờ chúng tôi
không nghĩ là đang nói chuyện với "ma". Sau một lúc hàn huyên tâm sự,
chúng tôi đặt câu hỏi:
- Cô Mai Anh có nói là
"âm dương cách biệt", nhưng cô có thể hiện ra cho chúng tôi gặp
không?
- Có thể được, nhưng
phải chờ đến 12 giờ đêm nay.
- Cô sẽ hiện ra ở đâu
?
- Ở duới gốc cây đa,
bên cạnh chiếc cầu.
Tự nhiên lúc đó tôi
cảm thấy lạnh cả người và thật sự tôi nghĩ đến chuyện "ma". Nhưng vì
muốn thỏa mãn sự tò mò, sự sợ hãi của tôi đã biến thành thích thú lạ thường.
Chúng tôi hỏi:
- Lúc hiện ra cô như
thế nào ?
- Tôi sẽ hiện ra với
hình dáng hơi lờ mờ và sẽ mặc một tà áo trắng dài.
Chúng tôi nôn nóng chờ
chuông đồng hồ gõ 12 tiếng. Cô Mai Anh bảo là phải chờ đúng 12 giờ đêm mới hiện
ra. Trong trí tôi là hình ảnh một cô gái đẹp, một vẻ đẹp liêu trai, hiện ra bên
gốc cây đa, dưới ánh trăng mờ ảo, tà áo trắng phất phơ trước gió...
Nhưng một phút trước
12 giờ đêm, con cơ lại chạy và cô Mai Anh nói:
- Tôi nói sẽ hiện ra
là chỉ để đùa với các anh thôi. Thật sự tôi không hiện ra được. Các anh quên
rồi sao, "âm dương cách biệt" thì làm sao gặp nhau được !
Tôi thất vọng vô cùng.
Nhưng tôi vẫn hiểu ý cô Mai Anh thể hiện trong hai câu thơ lục bát :
"Âm dương cách
biệt đôi đường
Hồn Mai Anh ở nơi sườn
đồi Nam".
Từ ngày ấy tôi không
còn cầu cơ. Nhưng tôi vẫn thích kể câu chuyện trên vì tôi tin rằng Hà Mai Anh
có thật trong thế giới vô hình.
No comments:
Post a Comment