Monday, April 24, 2023

BIẾT ĐÂU LÀ KHỞI ĐIỂM CUỘC RONG CHƠI (TRÀM CÀ MAU)

 

Biết đâu là khởi điểm cuộc rong chơi

April 16, 2023

“…. Bà con bạn bè đến viếng tang ông Tư tại nhà, khi bước vào cỗng, họ cố sửa soạn lại bộ mặt cho có vẽ buồn rầu, nghiêm nghị, để hợp với cảnh tang ma, dù trong lòng họ không có chút bi ai nào. Nhưng họ nghe có tiếng nhạc vui đang rộn rã vẵng ra từ bên trong, hòa với tiếng nhạc là tiếng cười vui vang vang, tiếng ồn ào. Người nào cũng giật mình, vội vã xem kỹ lại số nhà, sợ đi lầm.

Tràm Cà Mau (trích đoạn “Ngộ đạo đất trời”)

 


Vào nhà, mỗi khách viếng tang được phát một tờ giấy màu hồng, bên trên ghi bài thơ “ Sau Khi Tôi Nhắm Mắt”. Bài thơ cũng được chụp phóng lớn, dán trên tấm bảng che kín cả một bức tường. Khách và chủ đang vui vẻ chuyện trò, cười đùa. Không thấy quan tài ông Tư đâu cả. Trên bệ thờ có cái ảnh ông Tư phóng lớn, miệng cười toe toét, tóc bù gió lộng. Trước tấm ảnh có cái hộp vuông chứa tro xương của ông Tư. Tiếng nhạc vui vang vang từ máy hát. Bài thơ in đậm nét:

Sau Khi Tôi Nhắm Mắt.

Khi tôi chết, viếng tang đừng buồn bã

Cười cho to, kể chuyện tếu vui đùa ,

Trong sáu tấm biết chắc tôi hả dạ,

Lên tinh thần, ấm áp buổi tiễn đưa,

Nếu làm biếng, cứ nằm nhà thoải mái

Viếng thăm chi, vài phút có thêm gì ?

Mắt đã nhắm. Lạnh thân. Da bầm tái .

Dẫu bôi son, trát phấn cũng thâm chì .

Tôi đi trước, hẹn gặp nhau ở đó,

Ai thay da mãi mãi sống trăm đời .

Kẻ trước người sau, xếp hàng xuống mộ

Biết đâu là khởi điểm cuộc rong chơi .

Nếu có khóc, khóc cho người còn lại,

Bởi từ nay thiếu vắng nỗi đầy vơi .

Cũng mất mát, dáng hình , lời thân ái

Tựa nương nhau, hụt hẫng giữa đất trời .

Đừng đăng báo, phân ưu lời cáo phó

Chuyện thường tình, phí giấy có ích chi ?

Gởi mua gạo, giúp người nghèo đói khó

Dịu đau buồn những kiếp sống hàn vi,

Trỗi nhạc vui cho người người ý thức,

Cuộc nhân sinh sống chết cũng tương đồng,

Khi nằm xuống, xuôi tay và nhắm mắt

Thì đau buồn hạnh phúc cũng hư không .

Đừng xây mộ, khắc bia ghi tên tuổi

Vài trăm năm hoang vắng, chẳng ai hoài .

Vũ trụ vô cùng, thời gian tiếp nối,

Tỉ tỉ người đã chết tự sơ khai

Khi tôi chết đừng ma chay đình đám,

Hỏa thiêu tàn, tro xác gởi về quê

Dẫu bốn biển, cũng là nhà, bầu bạn

Trong tôi còn tha thiết chút tình mê

Thì cũng C, H, O, N kết lại

Nắm tro xương hài cốt khác nhau gì

Nhưng đất mẹ chan hòa niềm thân ái

Cho tôi về, dù cát bụi vô tri.

Khi đọc xong bài thơ, có người thì mĩm cười, có người vui hẳn, và nói chuyện oang oang. Họ cho rằng bài thơ đã nói hết ý nguyện của người chết. Người chết không muốn bạn bè buồn rầu, thương tiếc, thì việc chi mà lại làm bộ, gượng gạo tạo ra nét buồn khổ trên mặt.

Vợ con người chết cũng không tỏ vẻ buồn rầu, mà cũng không hớn hở. Không một tiếng khóc lóc, thở than. Nhạc vui vẫn dồn dập phát ra từ máy vang dội. Khi khách đã đến chật nhà, và đúng giờ cử hành tang lễ, bà vợ ông Tư và đứa con trai mang áo quần trắng đứng chắp tay bên bàn thờ, cô con gái đứng bên tấm ảnh ông, cầm máy vi âm nhoẻn miệng cười và nói:

– Thưa các cụ, cô bác chú dì, bà con bạn bè thân thiết xa gần, chúng tôi xin cám ơn quý vị đã có lòng đến viếng tang Ba chúng tôi. Tang lễ nầy làm theo ý nguyện của người quá cố. Không làm tang lễ theo tục lệ bình thường, vì sợ trái với ước vọng cuối cùng của Ba chúng tôi. Chúng tôi xin nhận lấy mọi lời trách móc nếu có từ bà con bạn bè. Ba chúng tôi đã bình tĩnh và vui vẻ đón cái chết như một sự trở về không tránh được. Trong những ngày cuối của cuộc đời, Ba chúng tôi rất vui, chuẩn bị kỹ cho gia đình và cho chính ông. Ông đã dặn dò chúng tôi, không nên khóc lóc, không nên buồn rầu, vì sự thực không có chi đáng buồn cả. Ông dặn chúng tôi vặn cuốn băng sau đây cho bà con cô bác nghe.

Người con gái đến bên bàn thờ, bật máy , có tiếng ông Tư cười hăng hắc vui vẻ, làm một số người không cầm được, cũng cười theo. Một vài bà yếu bóng vía sợ xanh mặt. Sau tiếng cười chào, thì có tiếng ông Tư đọc bài thơ dán trên tường, giọng đọc rất chậm rãi, rõ ràng, như đang nói chuyện thủ thỉ với bạn bè. Mọi người im lặng lắng nghe, người thì nghiêm trang, người thì mỉm cười. Giọng Huế của ông Tư đọc chậm và ngân dài những đoạn ông đắc ý : “Tôi đi trước, hẹn gặp nhau ở đó . Ai thay da mãi mãi sống muôn đời, Kẽ trước người sau xếp hàng xuống mộ, biết đâu là khởi điểm cuộc rong chơi.” Cuối cùng, có một tràng cười ha ha của ông Tư để chấm dứt bài thơ. Sau bài thơ, có ba ông người Mỹ, hai ông da đen, một ông da trắng, cầm đàn và kèn trỗi lên mấy khúc nhạc vui, các ông nhún nhẫy uốn éo, nhiều lúc dậm chân xuống sàn. Ba ông cùng lúc lắc, làm hàng một, đi quanh phòng khách, như múa lượn trước bàn thờ ông Tư. Những ông nầy, là bạn chơi nhạc với ông Tư tại các quán ca nhạc ban đêm….”

Tràm Cà Mau

(trích đoạn “Ngộ đạo đất trời”)

No comments: