Wednesday, April 26, 2023

CON ĐƯỜNG KHÔNG LỐI RẼ (NHẤT PHƯƠNG)

 

CON ĐƯỜNG KHÔNG LỐI RẼ

Nhất-Phương

 


Sương Pha đứng tựa người lên khung cửa sổ, lắng nghe từng chuỗi âm thanh ồn ào như  nhóm chợ phía trước sân nhà.  Sau lưng là mấy đứa em cùng cô cháu gái hãy còn quá nhỏ, cũng đang ngã hẳn vào lưng nàng, như muốn tìm sự bình an.  Tiếng lao xao ơi ới gọi nhau uyên náo làm hai con chó Mino và Ky Mập châu đầu gầm gừ nhưng không dám sủa.  Chắc chúng cũng lờ mờ thắc mắc âu lo như chủ, muốn biết chuyện gì đang xảy đến ngoài kia?

Sương Pha nói nhỏ với đứa em trai mười sáu tuổi:

-Em ra khóa cẩn thận cổng rào, cột luôn hai con chó dùm chị.

Chiều không còn dám lang thang nữa, hối hả rớt nhanh hơn thường lệ, vương vãi vài sợi nắng cuối ngày nhạt nhòa héo hắc, chơi vơi rơi rụng trên hàng liễu xanh la đà bên kia mặt hồ.  Có lẽ, thời gian đã biết cảm nhận nỗi đau không khác chi người, để cùng nhau đối diện với những bất toàn, ở phút giây dãy chết.

 

Mấy tuần lễ trước, Hoàng Quân từ nhiệm sở gọi về, bảo nàng chuẩn bị mọi thứ, lỡ phòng khi bất trắc (?).  Tuy không nói ra, nhưng Sương Pha biết Hoàng Quân vẫn còn đặt hết niềm tin mãnh liệt vào quân đội, nhất là vào sự sáng suốt, hiểu rõ tình thế của các vị Tư Lịnh vùng.  Hoàng Quân chỉ nói ngắn gọn bằng giọng điệu tuy thâm trầm, nhưng vui buồn khó đoán:

-Chắc  không đến nỗi nào, em đừng lo lắng quá.

Nhưng làm sao không lo cho được khi chiến cuộc ngày một gia tăng, và nàng, “người chủ gia đình” bất đắc dĩ, phải chu toàn mọi thứ để chấp nhận các biến cố trọng đại đang ngấp nghé ở cuối đường, với sự nghĩ suy hãy còn thấm đẫm màu hoa Phượng Vỹ?  Nàng càng cảm thấy bất an khi biết Hoàng Quân cố ý dấu diếm khá nhiều chuyện, nhất là những chuyện quá hoang đường nhưng có thật, vẫn luôn xảy ra ở mọi quốc gia phải dựa vào các siêu cường để tồn tại, trong đó có mãnh đất ba chìm bảy nổi của dân tộc nàng.

 

Giờ đây, lệnh buông súng đã ban hành. “Chuyện không tưởng” đã biến thành sự thật. Ngoài đường, dân trong tỉnh đang ùn ùn chạy ngược chạy suôi kiếm tìm lẽ sống.  Mà chạy đi đâu mới được chứ? Những người phương Bắc đã bất chấp mọi thủ đoạn để được làm chủ miền đất tự do xinh đẹp ở phương Nam.  Họ sẽ áp đặt những gì lên cuộc sống của người dân khi trong tay không còn vũ khí để tự vệ?  Sương Pha thầm nghĩ đến “những điều không dám nghĩ” nên xây xẩm cả mặt mày, chân tay lóng cóng, đầu óc mù mịt tối tăm... Vừa lúc ấy, tiếng hát của người ca sĩ được mệnh danh là TV Chi Bảo bất ngờ vang lên từ làn sóng phát thanh, thật đúng lúc đúng nơi, diễn tả tâm trạng không những chỉ của riêng Pha, mà lại còn của tất cả các vị nữ lưu trong thời loạn, đang tựa cửa trông ngóng tin chồng, “giờ này anh ở đâu”?

-“Hoàng Quân, anh đang làm gì? Anh có an toàn không? Anh có ra khơi với Đề Đốc không?  Anh đi đi nếu bắt buộc phải rời bỏ nhiệm sở, đừng trở về nhà như anh đã từng khẳng định.  Nước mất nhà tan, “ngôi nhà Tự Do” còn đâu nữa mà về hở anh?  Nếu hữu duyên, chúng mình sẽ có cơ may gặp lại”...

 

“Đất nước còn, không còn em cũng được

Đất nước không, em có cũng bằng không”

(Trích trong kịch thơ Bến Nước Ngũ Bồ,

Tác giả Hoàng Công Khanh)

 

Sương Pha đi tới đi lui, tự chia sẻ nỗi niềm riêng với chính mình, suốt nhiều tiếng đồng hồ, cho đến khi màn đêm bao trùm mọi thứ.

-Dì Hai ơi, vô ăn cơm đi Dì.  Dì làm thinh hoài làm tụi con sợ lắm…

 

Buổi tối đêm Ba Mươi, cũng là đêm đầu tiên cuối Tháng Tư duy nhất trong cuộc đời của những con người bất hạnh, cố gắng dửng dưng, an nhiên đợi chờ phút giây “định mệnh”. Ngày mai “họ” sẽ đến để làm chủ đất nước này chớ gì?  Ngày mai vầng thái dương vẫn mọc.  Một ngày mới của khúc quành mới sẽ bắt đầu cho tất cả mọi tâm hồn chới với dưới trời Nam, kể cả gia cầm, thảo mộc.

 

Sương Pha ngồi xuống chiếc ghế nơi đầu bàn ăn, chiếc ghế dành riêng cho Hoàng Quân, chủ nhân trong gia đình nhỏ mà hai người cùng chung vai xây dựng.  Nhìn hai đứa em và cháu gái mặt mày xanh xám, Sương Pha cố gắng để nước mắt đừng rơi xuống chén cơm trắng ngần, màu tuổi thơ trong như viên ngọc quý:

-Được rồi, chúng ta cùng nhau dùng bửa tối, tuy trễ hơn mọi ngày, nhưng vẫn còn đủ các thứ để ăn.  Biết đâu…

Sương Pha chưa kịp dứt lời, bỗng nghe như có vật gì chạm nhẹ vào khung cửa bếp.  Nàng vội đứng lên, ra dấu bảo các em yên lặng, cẩn thận he hé cửa nhìn ra.  Tiếng kêu ư ử cùng lúc với khuôn mặt dễ thương của hai con chó đang lấm lét nhìn nàng khiến Sương Pha nhẹ thở, chợt nhớ chiều nay, trước biến cố trọng đại của đất nước, đến mèo chó cỏ cây cũng bị xích xiềng, cũng cùng chung đói khổ với con người.

 

Hơn quá nửa đêm, nhưng dường như chòm xóm không ai nhớ giờ đi ngủ, kể cả Mino và Ky Mập.  Mà cũng lạ thật, hai con chó sau khi được ăn no ấm bụng vẫn cứ quanh quẩn dưới chân nàng, chẳng chịu ra sân như thường lệ.  Không lẽ các chó cũng biết lo cho mạng sống của chính mình?  Đêm Ba Mươi này, dĩ nhiên không phải là đêm ba mươi Tết.  Mặc dù tiếng súng tuy không nhiều, cũng đã bắt đầu lẹt đẹt đì đùng như thay cho tiếng pháo.  Nhà nhà cùng thao thức, không phải đón giao thừa, mà để sẳn sàng nhận diện những kẻ đầu ngày vô ‘xông đất’.  Ở phút giây nhập nhằng giữa ánh sáng và bóng tối, từng ‘bộ mặt nằm vùng’ đã vênh váo hiện nguyên hình.  Không gian như ly cà phê lạnh lẽo chác đắng đầu môi, vừa được rót từ ‘chiếc bình độc dược’.  Ngoài đường đã thưa bớt người mình chạy tới chạy lui.  Tiếng nói chân phương của dân chúng ba miền bắt đầu loáng thoáng hòa chung dòng nước mắt, “những giọt nước mắt khóc cho quê hương trong như hạt ngọc”.  Từng tràng ngôn ngữ lạ lẫm, hách dịch khó hiểu vọng đến, mặc dù cùng tiếng nói Việt Nam.  Tuy cổng rào vẫn đóng, cửa nhà vẫn khép, nhưng đám Ba-Mươi, đám cơ hội đã mạnh mẽ hoạt động, xoáy xoay chầm chậm xuyên suốt mũi dao ngọt ngào vào trái sầu vừa chín, khiến chiếc màn hy vọng mong manh còn xót lại của khu phố dấu yêu, cuối cùng rồi cũng lả tả rụng rơi.

 

Trên làn sóng phát thanh đã im bặt mọi nguồn tin tức.  Phương tiện liên lạc giữa chính quyền và dân chúng tỷ như các đợt sóng ngầm, mất dần phương hướng.  Thay vào đó là đủ loại tiếng…miền ngoài, lạ tai, lạ nghĩa, lạ cả tình người.  Từng chùm dấu hỏi âm thầm đã có đáp số.  Giờ này, một lần nữa Sương Pha lại nghĩ đến “những điều không dám nghĩ”, vừa kiêu hãnh vừa tủi thân, vừa mong chờ, vừa âm thầm vẫy tay từ biệt với những người thân yêu, nhất là với các chú, các bác, các anh, các “linh hồn” dấu yêu của những bài nhạc lính.

 

Ở phút giây thiêng liêng còn mất của một chính thể, của sắc màu tự do tự tại, một lần nữa Sương Pha lại nhớ đến Hoàng Quân:

- Giờ này anh đang ở đâu? Hy vọng anh có thể tìm được một con đường thích hợp nhất, đúng với tâm trạng của chính mình, để khỏi ôm hận về sau.

 

Trời sáng dần, nắng ấm miền Nam rọi xuống ngày một tháng Năm, với trận địa chấn 75 chấm, ở tại miền đất chỉ có sông ngòi ruộng lúa phì nhiêu và tình người giản dị xinh tươi màu bông Điên Điển.  Hai con chó đang tựa đầu vào nhau tìm hơi ấm, nhưng đôi mắt dường như lúc nào cũng hướng về phía cổng rào, vừa nôn nóng mong chờ, vừa để đo lường động tĩnh.  Sương Pha cũng vậy, nàng tuy im lặng, thân yên mà tâm hồn đang bấn loạn.  Nghĩ đến những thứ “tài sản quý giá” hiện đang lưu giữ, của riêng nàng và của cả Hoàng Quân, có thể sẽ gây nhiều rắc rối cho gia đình khi đám Ba Mươi vào nhà “xông đất”, nàng vội vàng bước vô phòng ngủ, vừa đi vừa độc thoại:

-Hỡi những quyển sách thân yêu, ta không biết dấu các bạn chỗ nào cho an toàn nữa.  Nếu để họ thấy, chắc chắn các bạn sẽ bị thiêu sống, hoặc bị “thập thủ phanh thây”, hoặc bị họ tịch thu làm của riêng cũng không chừng.  Thời ngu dân đã đến rồi, các bạn biết không, ta phải làm sao bây giờ??!

 

Sương Pha đứng chôn chân giữa căn phòng quen thuộc, ngắm nghía bốn phía vách tường nhà.  Đột nhiên, nàng biết rất rõ mình phải làm một điều gì đó, ngay bây giờ, may ra, vẫn còn đủ thời gian.

 

Khi nghe tiếng reo vui của các em, cháu và hai con chó, cũng vừa lúc Sương Pha yên lòng xếp lại chiếc thang nhỏ.  Nhìn ngắm trần nhà một lần nữa, Sương Pha thủ thỉ với chính mình:

- Chỉ một mình tui biết các bạn đang trốn ở đâu.  Và sau này, một người nữa, đó là Hoàng Quân.  Chúng ta đang sống trong thời ly loạn, càng ít người biết càng tốt.  Hãy yên nằm trên đó nhé, mớ “tài sản quý giá” của ta ơi.

 

Hoàng Quân về tới quê nhà vào chạng vạng tối, mang theo nhiều nỗi đoạn trường tâm loạn.  Trời càng vào khuya, công viên Nguyễn Du càng chìm trong tĩnh lặng. Tuy vậy, vẫn có hai bóng người đang im lìm, chầm chậm bước bên nhau.  Hoàng Quân nói nhỏ:

-Liệng “nó” xuống sông rồi, anh mới yên lòng.  Em đừng ngạc nhiên tại sao anh không xuống tàu, đi theo đề đốc.  Nếu em mong chờ sự bình an đến với anh, thì anh cũng chờ mong mọi điều tốt lành đến với em.  Cất giữ bất cứ loại vũ khí nào, cho dù để phòng thân, tuy hợp pháp đối với VNCH, nhưng với họ, ở rừng về, họ sẽ áp dụng luật rừng.  Anh biết em không nở “thủ tiêu” nó, nên anh phải đích thân làm.  Ngày mai hay ngày kia, không chóng thì chày, gia đình chúng mình cũng sẽ ly tán.  Em hãy can đảm lên để xứng đáng là một người vợ lính.

 

Niềm vui đoàn tụ tiếp nối bằng những nỗi buồn, nỗi buồn tiếp nối nỗi lo, để cuối cùng, cả hai người biết mình sẽ phải đứng lại ở cuối con đường chung, không còn lối rẽ…

 

 

   Nhất-Phương.

 



No comments: