Wednesday, April 12, 2023

KHU PHỐ TÔI YÊU (NHẤT PHƯƠNG)

 


Khu Phố Tôi Yêu

*Kể theo mẫu chuyện lan man của một lão bà

thích lang thang giữa lòng phố Việt.

Nhất Phương


Từ nơi tôi ở, nếu muốn viếng thăm “Saigon Hải-Ngoại”, tức thủ đô tỵ nạn Saigon Nhỏ, phải đi về hướng Nam.  Đoạn đường tuy ngắn, nhưng một “quý bà” vừa hưởng Medicare, vừa đeo kính lão, lái xe khá hơn cụ rùa một cách ung dung tự tại, sẽ tốn trên dưới khoảng 25 phút.

 

Đường đi dễ, bản đồ in rõ trong tim, cứ lái thẳng, nhởn nhơ theo đường bay của các loài chim, qua nhiều ngã tư nhấp nháy đèn xanh đỏ, bảng stop, bảng yield, bảng chỉ vào các khu chợ quen thuộc, nhà hàng, tiệm hớt tóc, nhà thương, nhà thuốc tây, nhà bạn, quẹo mặt đường Bolsa là coi như dzô đúng địa bàn hoạt động của Đại Gia Đình Việt-Nam.  Đó chính là nơi khu phố tôi yêu.  Chữ Yêu tôi viết xuống cũng lan man mơ hồ không rõ lắm, quý bạn của tôi ơi. Mặc dù đã cố nhủ lòng không nhớ nữa (những gì thuộc về quá khứ), mà sao chân cứ bước mãi trên lối quen xưa…?  Bởi khi nhìn ngắm những cảnh tượng nơi đây, tôi có cảm giác vô cùng bình an, gần gủi, như đang đứng tại quê nhà dấu yêu, trên mấy nẻo đường huyết mạch của một nơi từng mang tên gọi Sài-Gòn, ở thời điểm tưng bừng hàng quán.  Sài Gòn hải ngoại cũng nhan nhản, đầy dẫy tiệm tạp hóa, tiệm bán sách Tuổi Hoa, Tuổi Ngọc, lồng trong muôn ngàn mẫu chuyện tình Ly Hương của rừng “thiếu nữ sống lâu năm” như tôi, ở độ tuổi đá cũng biết buồn.

 

Vì kính lão quá hạn thay mới, nhưng điều kiện đầu tiên chưa có, tôi đành nhìn vật gì cũng mơ huyền mờ nhân ảnh.  Bằng đôi mắt mơ huyền, tôi cảm nhận một cách bao quát, cảnh vật cũng như chòm xóm của mình, tất cả đều tuyệt hảo, đáng hãnh diện quá chừng.  Mặc dù hãnh diện ngầm, tôi cũng chỉ dám viết lén, đọc nho nhỏ thôi, đừng để người bản xứ biết được sẽ tự ái, rồi kỳ thị dân mình giỏi hơn họ.  Rõ khổ.

 

Sự thật là vậy.  Không gì khổ bằng giỏi mà không dám nói mình giỏi.  Từ nào đến giờ tốt khoe xấu che là chuyện lẽ thường nhân sự, sao phải che bớt sự tốt đi làm gì rồi than khổ?  Ngặt nỗi, sự đời có nhiều điều nghịch lý, cái mình thấy đủ tốt, người bản xứ hoặc người ngoài phố, ngoài cuộc, có thể sẽ cho là thói xấu, cần phải sửa đổi, cần phải tự chế, cần phải tự ái để không thèm làm nữa, tránh bị phàn nàn.  Đúng là, quan niệm về cuộc sống trăm người mười ý.  Gió Đông gió Tây vẫn còn mập mờ lớ ngớ bên lề của khu vườn địa đàng.  Văn hóa của mỗi quốc gia là thềm lục địa chôn dấu các bí kíp mãi mãi không bao giờ được hoàn toàn khai phá.  Mà, lỗi phải gì hổng biết nữa?  Có lẽ do tâm tình quảng đại, phóng khoáng nên ở nơi công cộng, lỡ tỏ bày tâm tư thoải mái chút chíu vậy thôi mà.  Nhờ chăm chỉ làm ăn nên bà con mình trong khu phố tôi yêu khi ra đường ai nấy đều thướt tha mướt rượt, tiếng tốt đồn xa, dám ăn dám nói, sợ gì dân bản xứ chớ?

 

Để “tôi kể người nghe”, một hôm đang lái xe, chợt nhớ nhà cần vài món thông thường, tôi tấp liền vô chợ ngang hông, ngay trong khu thương mại đối diện với Đài Phát Thanh Saigon Hải Ngoại, trên đường Brookhurst để mua.  Vừa bước qua ngưỡng cửa, âm thanh một cuộc điện đàm khá lớn làm tôi đứng khựng, vì giọng nói rõ ràng hấp dẫn, mạnh mẽ, thênh thang giữa chợ người hợp chủng:

-Này bà, tới ngay hổng thôi Mỹ Mễ nó mua hết.  Tôi mua năm hộp mà còn lấy trước thêm mươi hộp nữa dành chờ bà tới lựa, nhanh lên nhe bà.

 

Tôi nhìn xuống chiếc xe bà ta đang giữ trước mặt, ôi ngổn ngang nhiều thứ hàng sale, chểm chệ mười mấy hộp trái dâu tây tươi rói.  Tôi chưa kịp khen thầm bà hết lòng vì bạn, bỗng thấy nhốn nháo đám đông đang đứng chờ, hỏi bà Mễ chờ gì, bà bảo chờ mua vài hộp dâu tây “on sale” cho con bà, ‘nhưng chợ chưa kịp bày ra bán’ (!).

Tôi chào bà Mễ, quày quả trở ra chỗ đậu xe vì tự dưng không còn nhớ mình vào đó để làm gì, có lẽ tôi sợ thì đúng hơn.  Tôi sợ thứ mình muốn mua cũng có người tốt bụng đến sớm, gom hết giữ dùm, đang ung dung chờ người đồng hương của họ…

 

Vài tháng trước đọc báo có tin một cụ bà sống đến 107 tuổi vẫn còn khá minh mẩn, thể dáng tráng kiện.  Báo chí mừng rỡ đến phỏng vấn bà, hỏi “bí kíp” sống lâu.  Bà trả lời ngắn gọn, rõ ràng, đủ đầy ý nghĩa như khi đi interview job:

 

-Tôi không bao giờ xen vào bất cứ chuyện gì chẳng dính dáng đến tôi.

 

Thoạt nghe, tôi thích câu trả lời của bà lão vô cùng.  Chuyện ai người nấy tự lo, mình có lòng tốt, muốn lo dùm cũng không được phép.  Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, thích thì rất thích mà dường như có điều gì đó lắc lứ, nhứt thời tôi chưa thể khẳng định.  Bởi bất cứ ai sống nơi xứ người trên năm năm, tôi coi như đã lâu đủ để hội nhập vào nề nếp mới, biết tôn trọng tha nhân, đặc biệt là sự công bằng, đến trước sắp hàng trước, mua trước…, mặc kệ họ là gốc củ sâm, gốc curry, gốc hoa anh đào hay gốc mít xoài ổi mận, luôn cả trăm loại đậu xanh đỏ trắng vàng cũng vậy. Nhập gia tùy tục mà.

 

Song song với câu trả lời chân thật của cụ bà, đức Khổng Phu Tử cũng có lời dạy rằng, “không biết thì không có lỗi, biết mà không nói, lỗi ấy nhân đôi”.  Thế này là thế nào? Đông Tây dường như cũng có cố gắng gặp nhau nhiều lần rồi phải không? Gặp để học hỏi, thông cảm, để tiến để lùi cho đúng chỗ, cùng nhau cải thiện, nuôi dưỡng đời sống chung càng ngày càng tốt đẹp hơn.  Trong Cõi Người Ta, không phải chỉ có Ta mà còn có cả Người nữa (Nguyễn Hữu Nhật).  Nhưng Đông Tây vẫn chưa thật sự dễ dàng buông bỏ những điều không nên giữ.

 

Mưa bất chợt đổ ào xuống thật đúng lúc, làm dịu bớt phần nào cơn nóng vô duyên dị hụ trong lòng tôi, hay trời chờ tôi ra để phá cho bỏ ghét cái tánh khí bốc đồng cũng hỗng chừng.  Nhưng không, ướt làm sao được khi một chiếc dù đã dương lên và tiếng đồng hương tuy khác phái ồn ồn,  nhưng đối với “lão bà” tôi, êm êm chi lạ, như “giọt mưa thu” rỉ rả:

-Bà ráng đi cẩn thận để khỏi té và lạnh bịnh nhe bà, xe bà đậu chỗ nào, con đưa bà đến đó.

Ôi trời, trước mặt tôi, một thiếu niên chừng 14 hay 15 tuổi, hoặc nhỏ hơn, con nhà ai mà dễ thương quá vậy hổng biết?

-Bà cám ơn con, con đi đâu một mình ở đây vậy? Đừng nói với bà là con tự lái xe à nghen.

-Dạ không, con đi với bà cô.  Con chưa tới tuổi lái xe bà ơi.  Bà cô con đang mua đồ trong chợ Đa Kao.  Thôi bà vô xe đi để con còn đi kiếm bà cô của con nữa nhen bà.

Tôi cũng định vô xe để khỏi làm phiền cậu bé, nhưng tính khí tò mò (lại muốn xen vào chuyện của người khác, thiệt khổ!), muốn biết cậu ấy là con cháu nhà ai mà nói tiếng Việt rạch ròi, hy vọng gặp người quen thì như trúng số, nên tươi cười nắm tay cháu:

-Bà cũng muốn mua vài thứ trong chợ Đa Kao, thôi mình cùng vô đó đi con.

Chúng tôi, một già một trẻ thong dong vào chợ.  Đang ngó quanh tìm kiếm, chợt nghe có tiếng hớn hở gọi tên mình:

-Sương Pha, Sương Pha,

 

Tôi chớp chớp đôi mắt tơ mơ, nhìn vẫn chưa ra vị nữ lưu cất giọng thân mật là ai (vì kính lão như đã thưa ở trên, đang chờ trúng số mới thay).

-Tú Giang nè bà, chời ơi gì mà bệ rạc dữ dzậy?!

-Tú Giang hả?

-Dzậy mi tưởng ta là ai?

-Eo ơi, mi đang ở Pháp, lại bất thần hiện ra ở Mỹ, biểu tui không hết hồn được sao? Mà Tú Giang ơi, Giang qua đây khi nào, để làm gì? Còn cháu này tên chi, con ai mà gọi mi tới…bà cô lận? Nói tiếng Việt dễ thương hết sức luôn nha.

-Cháu là người Nhật 100% chớ phải Việt Nam của mình đâu mà ham dữ dzậy bà.

Thiệt tình, tôi không thể nào tin những lời mà người bạn năm xưa đang nói, mặc dù tôi biết rất chính xác anh của Tú Giang lấy vợ Nhật.  Cậu bé này gọi Tú Giang tới bà cô, người Nhật thiệt…, thôi thôi, rắc rối quá, không muốn dính dzô…chiện của người khác nữa.

Sau khi hẹn hò mai mốt sẽ gặp lại Tú Giang, tôi vẫy tay chào cậu bé, bước ra khỏi tiệm Đa-Kao, lòng bỗng dưng…

Chợt thấy giữa đời hoa Nắng rơi

Chợt nghe xao xuyến tóc buông lơi

Chợt đem hoa Nắng cài lên tóc

Chợt hiểu Tình Yêu thật tuyệt vời

 

Mưa khiêu vũ ngang tàng bốn phương tám hướng, khiến không gian âm u như trong dạ tiệc Halloween, mà tự dưng sao lòng tôi cảm thấy hoa Nắng nhảy múa ngập tràn bao quanh trời ạ.  Các bạn nên tin tôi chút đỉnh kẽo tội nghiệp.  Lần này tôi không nói chuyện lan man mờ ảo nữa, mà thật sự, hoa Nắng đang âm thầm nở rực trong trái tim tôi.  Người Nhật thì sao chớ, miễn thích học để nói rành tiếng Việt, và nhất là biết tôn trọng nhân cách, tôn trọng văn hóa Việt là đủ để tôi xem họ như người đồng hương, cùng quay quần trong khu phố tôi yêu, cùng nhau xây đắp một đời sống nhân hòa hợp chủng, kính trên nhường dưới, âm thầm giúp đở lẫn nhau.

 

Mưa vẫn cứ tiếp tục rơi càng lúc càng nặng hạt hơn. Tôi đứng yên nhìn những hạt châu sa, lóng lánh dịu mát từ trời, lòng bân khuân nhớ lại trận mưa như thác đổ năm nào trong quá khứ.  Lâu lắm rồi, một chiếc dù cũng đã mở ra cho lão bà tôi quá giang, để ông đưa tôi đến chỗ đậu xe.  Đoạn đường tuy không dài hơn mười bước chân, nhưng nghĩa cử ấy, từ một người đồng hương lớn tuổi hơn tôi, đã mang kiếng lão, và chắc cũng thấy Tình Yêu đồng loại thật sự tuyệt vời với mọi người, mọi lứa tuổi, mọi trạng thái vui buồn trong khu phố nên mới sẳn lòng đề nghị che chắn cho tôi khỏi ướt dưới màn mưa ngập đường.  Một người vô danh, nếu bây giờ tình cờ gặp lại, chắc gì tôi còn nhớ được rõ ràng khuôn mặt của ân nhân (?!).

 

Được sống với đồng hương trong Tình Yêu thật tuyệt vời luôn luôn tỏa sáng tràn lan khắp khu phố Sài-Gòn Hải Ngoại, tôi biết mình không còn cần chiếc dù nào để che mưa nữa, ít nhất là trong lúc này. “Cụ bà tôi” lừng lửng mạnh dạn bước đều đến chỗ đậu xe, mặc cho tóc tai áo quần ướt mèm te tua lạnh lẽo.  Ai lỡ gặp lúc này, chắc không ngại ngần khi muốn liệt tôi vào hàng con Giáp thứ mười ba.

 

 Nhưng, nghĩ cho cùng, sá gì chuyện nhỏ ấy chứ, bởi từ nào tới giờ, bà con mình đều nhận biết, trạng thái trong tươi ngoài héo vẫn tốt hơn nhiều lần nhiều, so với nhan sắc diễm kiều trong héo ngoài tươi.

 

Trời bỗng âm thầm…tạnh giữa cơn mưa,

Mơ ước lớn theo mùa

Đông tàn Xuân sẽ đến

Thôi, tui dìa kẻo…lại bị dầm mưa.

 

Nhất-Phương

No comments: