Wednesday, May 24, 2023

CÔ GÁI HÀ NỘI - ÁI VÂN NGÀY ĐẦU VÔ SÀI GÒN

 


CÔ GÁI HÀ NỘI - ÁI VÂN NGÀY ĐẦU VÔ SÀI GÒN.

 

Bài viết sau đây được trích từ cuốn sách "Để gió cuốn đi" của nữ ca sỹ xinh đẹp Ái Vân, một người được sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, vào Sài Gòn lần đầu tiên vào đúng dịp 30/04/1975, mọi thứ đối với cô đều lạ lẫm, và đã kể lại trải nghiệm đó của bản thân trong cuốn hồi ký. Sách Để Gió Cuốn Đi được Nhà xuất bản Hội Nhà Văn và Trí Việt – First News xuất bản năm 2016, từng được báo Thanh Niên trích đăng nhiều kỳ. Thời điểm 1975, Ái Vân mới 19 tuổi, đang là sinh viên năm 2 khoa Thanh nhạc của Nhạc Viện Hà Nội. Cô kể lại:

... Ngày đẹp trời, chú Nguyễn Văn Thương nhắn tôi lên phòng giám hiệu. Thầy nói: "Bên Đài Truyền hình cần bổ sung xướng ngôn viên để vào tiếp quản Sài Gòn vì bên ấy thiếu người quá. Ông Tố Hữu đề nghị chọn Ái Vân". Tôi sướng mê đi. Tôi chưa bao giờ là xướng ngôn viên của Đài Truyền hình cả, có lẽ hay biểu diễn các tiết mục thiếu nhi trên Đài, và cũng đã đọc nhiều cho buổi Phát thanh Thiếu niên Tiền phong nên được chọn chăng? Được vào Nam, lại được làm xướng ngôn viên (miền Bắc gọi là phát thanh viên) cho Đài Truyền hình Sài Gòn những ngày đầu tiên của hòa bình, còn vinh dự nào hơn. Tôi có hai, ba ngày chuẩn bị, tíu tít người hỏi thăm. người gửi người nhà cái này, người nhờ mua cái kia, rộn ràng còn hơn lần đầu đi nước ngoài.

 

Sáng sớm ngày 29/04/1975 chiếc xe "pa" chuyển bánh từ trụ sở ban tin tức Đài Tiếng nói Việt Nam số 39-41 Bà Triệu – Hà Nội trực chỉ Sài Gòn. Đoàn gồm 20 người gồm nhiều thành phần: xướng ngôn viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, quay phim, ánh sáng, hậu cần... [...] Sau mấy ngày đi cấp tốc, trưa ngày 2/5/1975, xe đến cửa ngõ Sài Gòn, qua Xuân Lộc rồi xa lộ Biên Hòa. Dọc xa lộ áo quần lính, giầy lính, thắt lưng bỏ lại. Những chiếc xe chật như nêm, trên nóc là những xe Honda. Đó là sự hoảng loạn, bề bộn của những ngày chiến tranh vừa dứt. Mọi người nói với nhau: "Sài Gòn rồi!... Sài Gòn đó kìa!". Đường vào Thành phố rộng thênh thang, phẳng lì. Lại xuýt xoa thì thầm: "Như đường của Tây". Không thấy cờ hoa chào đón, chỉ thấy vẻ tiêu điều trên thành phố tráng lệ trước đây. Lại vẫn quần áo, mũ, giày, thăt lưng lính rải đầy đường... Nhiều hơn cả là vỏ đạn, đường Hồng Thập Tự đầy vỏ đạn. Dấu vết chiến tranh hằn rõ trên mặt phố.

 

 

Chiều 2/5, chiếc xe của Đài Phát Thanh, Truyền hình từ từ lăn bánh tiến vào Đài Truyền hình Thành phố Sài Gòn. Ngày 30/4 đến với những người trên chuyến xe ấy, chắc hẳn hoàn toàn khác với hình dung của tất cả mọi người. Im lặng, im lặng và im lặng. Cảm giác hụt hẫng tràn ngập trong xe: "Tiến vào Sài Gòn" những ngày đầu "Hòa bình thống nhất", ngày xưa gọi là "Giải phóng miền Nam". Mọi người được thu xếp nghỉ tạm bên Đài Phát thanh ngay sát Đài Truyền hình, cách nhau chỉ vài bước chân. Đài tuyền hình thấy cho chị Kiều Oanh nghe đâu mới ở R về, và một chị là xướng ngôn viên cũ của Đài Truyền hình Sài Gòn rất xinh, da trắng mịn với giọng Huế ngọt ngào tên Thanh. Đoàn ngoài Bắc vô được bố trí ở nhiều nơi khác nhau. Tôi và mấy chị nữa, hình như bên bộ phận hành chính, được cho về ở một căn phòng tầng 3 trong căn chung cư ngay ngã 6, hình như là đường Võ Tánh thì phải. Căn phòng trống trơn, tối om, công tắc điện, bóng đèn, quạt trần chả hiểu sao đều bị gỡ hết, dây điện lòng thòng. Mấy chị em trải tấm vải dù mang từ ngoài Bắc vô nằm tạm trên sàn ngủ qua đêm. Ngày vô Đài Truyền hình làm việc, tối về nghĩ ở căn phòng tối om đó. Ở đó được thú vui là tối đến ra ngã 6 ăn quà. Thích nhất là được nếm thử con nghêu nướng mỡ hành và món bánh mì kẹp thịt. Ở ngoài Bắc tôi chưa được thưởng thức bao giờ.

 

Đài Truyền hình tổ chức một cuộc gặp gỡ giới thiệu mọi người với nhau. Ngoài những người cùng đi từ ngoài Bắc và vài người gặp hôm trước, tôi có dịp được gặp làm quen với nhạc sĩ Nguyễn Hiền, nhạc sĩ Trần Văn Trạch với hai bài hát đặc biệt gây ấn tượng là Xổ số kiến thiết Quốc gia và Chuyến xe lửa mùng Năm, bài này có đoạn được ông giả tiếng xe lửa chạy xình xịch nghe rất lạ, lý thú vô cùng. Ở Hà Nội nhỏ bé xinh xinh, vào Sài Gòn thấy ngợp. Ra chợ Bến Thành thấy người dân khác hẳn. Lúc đó người Sài Gòn không dám ăn diện như trước, nhưng vẫn thấy sự khá giả trên những bộ đồ họ mặc. Họ đón nhận mình với thái độ vui mừng một cách gượng gạo, có phần nghi ngại. Dân Sài Gòn thấy ai từ bắc vào đều gọi là bộ đội. "Bộ đội" truyền hình ca nhạc cô nào cũng coi được, mấy bà mấy cô cứ xúm lại mấy chị em xuýt xoa: "Bộ đội mà sao da trắng bóc hà?". Nhiều người còn cầm tay tôi ngạc nhiên bảo: "Ủa, nghe nói bộ đội rút móng tay người ta. Cô này bộ đội nè, sao móng tay còn nguyên nè, ngộ quá há". Tôi mua vài thứ lặt vặt, đưa tiền ngoài Bắc, cô bán hàng tính ra 1 đồng ăn 1.000 đồng tiền Sài Gòn, cả chợ ồ lên nói: "Trời, tiền ngoài Bắc còn giá trị hơn tiền dollar à". Cô bán hàng nói: "Em chờ chút để qua đổi tiền thối nha". Tưởng chị chê tiền của tôi thối (mùi hôi), tôi cãi: "Không, tiền em không thối đâu ạ". Chị bán hàng lại tưởng tôi không cần thối lại, nói: "Đâu được, để qua đổi tiền khác thối lại em". – "Dạ không, đã bảo tiền em mới, giữ cẩn thận lắm, không thối đâu ạ". Hai bên cứ "thối" với "không thối" suýt cãi nhau, mãi sau nhờ có người giải thích tôi mới ớ ra "thối" là trả lại tiền thừa. Trước đây cứ nghe nói đồng bào miền Nam "bị Mỹ ngụy kìm kẹp" khổ lắm, rất cần sự giúp đỡ từ miền Bắc, cứ hình dung dân Sài Gòn đói khổ lắm. Mới vào Sài Gòn tôi rất ngỡ ngàng. Chỉ cần nhìn cách ăn mặc, trang điểm, đi lại, ăn nói nhẹ nhàng; chỉ cần ra chợ mua gì cũng có câu cảm ơn và túi ni lông đựng đồ đủ biết mình không cùng đẳng cấp văn minh với người ta rồi.

 

Biết mình bị ngộ nhận với thông tin lệch lạc. Theo địa chỉ ba cho từ ngoài bắc, tôi tìm đến nhà cô Hà Thị Tuyết, ở nhà gọi là cô Cả, là chị lớn của ba. Khi đến thăm cô Cả, cô sinh viên nghèo Ái Vân cũng mang biếu gia đình chút quà từ tiêu chuẩn ăn của mình. Con dâu trưởng của cô Cả hỏi: "Cô mang cho chúng tôi quà gì thế?". Tôi trịnh trọng vừa mở bọc ni lông vừa nói: "Em biếu gia đình 2 cân gạo ạ, chắc nhà mình cũng đang cần". Ối giời, cả nhà cười nghiêng ngả: "Giời ạ. Lại mang gạo cứu trợ cho chúng tôi nữa cơ đấy. Khổ thân em". Rồi chị dắt tôi tới mở thùng gạo to tướng bằng nhựa, bên trong đầy ắp gạo, thứ gạo trắng muốt và thơm phức, nõn nà. Bây giờ tôi mới để ý trong nhà ngoài ti vi, tủ lạnh, còn có máy giặt và nhiều thứ lạ lẫm khác cho thấy một cuộc sống rất tiện nghi, không thể có bất kỳ nhà nào ở miền Bắc tại thời điểm đấy, dù là nhà ông Thủ tướng.

 

No comments: