MẸ …ĐỪNG YÊU CON QÚA.
Long vừa từ cuộc hẹn với Ngọc Ngà, người vợ sắp cưới trở về
nhà, lòng chàng vui vui vì bước đầu gặp thuận lợi. Ngọc Ngà đồng ý đám cưới
xong sẽ ở chung với mẹ chồng một thời gian đầu cho phải phép vì Long là con
một, sau đó ngày rộng tháng dài hai vợ chồng sẽ mua nhà ở riêng, Ngọc Ngà thích
xây dựng một tổ ấm riêng của mình dù nó to nhỏ thế nào nàng cũng vui.
Về nhà Long lên tiếng ngay với mẹ:
- Mẹ
ơi, con vừa đi gặp Ngọc Ngà, chúng con bàn về đám cưới……
- Ngày
giờ đã định xong hết rồi, còn gì nữa mà bàn hả con?
Long hí hửng:
- Là
cưới xong chúng con sẽ ở chung với mẹ đó.
Long tưởng mẹ sẽ vui mừng như mình nhưng bà thản nhiên:
- Tất
nhiên rồi, nhà này của con, con không ở thì ai vào đây mà ở chứ.
Long cụt hứng, chẳng lẽ chàng kể công với mẹ là con đã mất
bao lời dịu dàng phân bày và cả năn nỉ Ngọc Ngà mới thông cảm đồng ý ở chung.
Thời đại này, nhất là ở Mỹ cuộc sống riêng tư là hàng đầu, có nàng dâu nào muốn
ở chung với nhà chồng, với mẹ chồng đâu.
Chàng hãnh diện khoe:
- Mẹ
sẽ có nàng dâu qúy Ngọc Ngà, con cưng cành vàng lá ngọc của nhà người ta về nhà
mình….
Mẹ chàng vẫn thản nhiên và cũng hãnh diện:
- Con
cũng là kim cương hột soàn của mẹ chứ thua kém gì. Trên thế giới có những viên
kim cương nổi danh, vô giá. Con của mẹ cũng vô gía….
Long quen được mẹ yêu mà vẫn cảm động:
- Thế
thì mẹ sẽ có cả hai thứ qúy trong nhà, con dâu và con trai của mẹ.
Gia đình đến Mỹ được khoảng tám năm thì cha Long qua đời
khi Long mới 12 tuổi, mẹ chàng làm công nhân trong một hãng xưởng. Mẹ luôn
thương yêu và khuyên nhủ Long hãy ngoan và chăm chỉ học hành .
Mẹ sống rất tằn tiện để tiếp tục trả góp căn nhà cũ rẻ tiền
đang ở và nuôi con tới khi khôn lớn .
Mỗi khi nghĩ về mẹ Long đều ngạc nhiên, thấy mẹ thật tài
giỏi, thật tuyệt vời, một phụ nữ nhà quê trình độ học vấn thấp, mẹ tự xông xáo
tìm việc làm chỗ này chỗ kia mà toàn là hãng xưởng Mỹ ( mẹ bảo làm hãng Mỹ giờ
giấc và quyền lợi đàng hoàng). Khi bị lay off mẹ đang được hưởng tiền thất
nghiệp mà luôn nhấp nhỏm như người ngồi trên đống lửa, lo tìm việc tứ tung. Nếu
nhân viên sở an sinh xã hội để ý nhìn vào giấy khai thuế hàng năm của mẹ chắc
phải khen thầm bà này chăm chỉ làm việc hết mình.
Dù khi xin việc hay khi ra ngoài xã hội có vốn liếng mấy
chữ tiếng Anh mà mẹ cũng đều xong việc, chẳng biết mẹ đã nói tiếng Anh thế nào
mà họ hiểu được. Thỉnh thoảng mẹ mới cần nhờ đến Long giúp đỡ.
Long đã học xong kỹ sư và đi làm vài năm, có chút tiền
trong tay mới dám tính tới chuyện cưới vợ.
Ngọc Ngà cũng tốt nghiệp đại học, nàng đang làm việc cho
một công ty trong cùng thành phố.
****************
Căn nhà nhỏ rất cũ, rộng chỉ 1,350 Sq ft.. Ngày dâu về ở
chung mẹ chồng đã hớn hở giới thiệu với con dâu và vẽ ra một tương lai đầm ấm:
- Nhà có những 3 phòng, mẹ ở một, còn 2 phòng
tha hồ cho hai con xử dụng, đẻ một hai đứa con ở cũng vừa, nếu đẻ nhiều hơn thì
mẹ ngủ chung với cháu hay ngủ ngoài phòng khách cũng được. Ăn thì nhiều chứ ở
bao nhiêu, miễn là tiết kiệm tiền các con ạ.
Ngọc Ngà đã thở dài nói riêng với chồng:
- Thời
nay căn nhà nhỏ cũng từ 2,000 Sq ft. trở lên, căn nhà của mẹ vừa cũ vừa nhỏ mà
mẹ tính chuyện lâu dài chúng ta sẽ ở đây tới khi sinh vài đứa con ư ?
Long dỗ dành vợ:
- Thì
mình cứ tới đâu hay tới đấy, cuộc sống luôn có những thay đổi mà em.
Ngày dầu tiên người mẹ đã nghiêm chỉnh nói với hai con:
- Kê
từ hôm nay gia đình chúng ta có 3 người, hai con đi làm tiền bạc để riêng dành
dụm mai này lo cho con cái, mọi sinh hoạt trong cuộc sống mẹ…bao hết.
Ngọc Ngà ngạc nhiên kêu lên:
- Chúng con phải đóng góp phần mình cho công bằng chứ.
Long dãy nảy lên:
- Kìa
mẹ, đừng lo toan như con vẫn là thằng bé 12 tuổi của mẹ ngày xưa.
Người mẹ dõng dạc:
- Mặc
kệ con bao nhiêu tuổi, hai con làm bao nhiêu tiền. Mẹ 50 tuổi chưa gìa, vẫn đi
làm ra tiền, căn nhà này đã trả xong, tiền mẹ làm ra để lo cho các con chứ cho
ai ?. Bao giờ mẹ gìa yếu hay không đi làm được nữa hãy tính.
Cả nhà cùng rời nhà đi làm buổi sáng, chiều người mẹ về sớm
nhất vì chỗ làm gần nhà. ( Xin việc làm bà luôn “ưu tiên” hãng nào địa chỉ, zip
code gần nhà mới nộp đơn. Nơi qúa xa bà miễn dòm ngó vì lẽ bà không dám lái xe
đường xa)
Bà lo bữa cơm chiều xong hai con mới về đến, con dâu chỉ
việc dọn dẹp bếp và rửa chén bát khi ăn cơm xong.
Những món ăn mẹ chồng nấu quanh quẩn rau luộc hay rau nấu
canh tôm khô, gía rau rẻ theo mùa, thịt kho trứng, cá kho, tôm rim …món nào
cũng mặn đối với Ngọc Ngà, nàng chẳng dám kêu ca và luôn tự nhủ “ Hãy cố chịu
đựng chỉ một thời gian ngắn thôi mà”.
Nàng ngạc nhiên thấy mẹ chồng tự làm đủ thứ, cuối tuần bà
hì hục xay thịt heo làm giò, hay xay cá làm chả cá, bà còn biết tráng bánh cuốn
bằng chảo không dính, làm bánh bông lan bằng nồi cơm điện.
Thì ra bà học làm những món này trên youtube, có khi tới
khuya còn thấy bà ngồi ngoài phòng khách xem youtube nấu nướng trên ti vi, chắc
đang say mê nghiền ngẫm một món ăn mới.
Những món mẹ chồng làm không ngon bằng chợ, bà biết thế nên
đã từng phân bua với hai con:
- Tuy
mẹ làm không ngon, không hoàn hảo, nhưng bảo đảm vệ sinh an toàn sức khỏe,
không dùng hàn the bột ngọt bột nổi và nhất là tiết kiệm tiền. Tội gì để nhà
hàng để chợ búa ăn lời khi mình có thể làm được.
Thế là mỗi cuối tuần để vui lòng mẹ, vợ chồng Long phải ăn
ở nhà do mẹ đảm đang trổ tài và tiết kiệm ngân qũy gia đình
Hôm thì mẹ nấu phở, nấu bún riêu, bún măng, có khi đổi món
ăn bánh xèo, bánh cuốn, ăn xôi khúc, xôi vò.. đủ cả. Sợ con chưa vừa ý bà còn
bảo:
- Hai
đứa thích ăn món gì khác thì cứ…order mẹ làm cho, một buổi tối mẹ lên youtube
là biết làm ngay.
Ngọc Ngà than thở với chồng:
- Thế
này thì mình không có cơ hội bước chân ra hàng quán nữa. Nói anh đừng buồn nhé,
những món ăn một buổi tối xem youtube của mẹ thì làm sao ngon cho được, chúng
ta cứ phải ăn những món…dở dở ương ương .
Long chỉ biết bào chữa cho mẹ mình:
- Anh
biết thế, nhưng được cái mẹ nấu nướng với ….tất cả tấm lòng.
Một buổi sáng thứ bảy Ngọc Ngà thức dậy sớm, nàng muốn giúp
mẹ chồng dọn dẹp cho sạch cái tủ lạnh mà mẹ đã chất chồng và nhồi nhét đủ thứ
trong tất cả các ngăn mát vì mỗi lần nàng mở tủ lạnh cần tìm món gì thì gặp bao
nhiêu là chướng ngại vật.
Nàng lôi ra mấy cái hộp nhỏ, hộp đưng tí cá kho không biết
của tuần lễ nào còn dư lại, hộp khác đựng vài con tôm, đựng tí nước tương ăn dở
dang, mẩu chanh héo vàng, bó xả còn mấy cọng xơ xác, nửa củ hành tây, nửa qủa
ớt, nửa qủa dưa leo..Tội nghiệp những “một nửa” này, mẹ giam giữ chúng bơ vơ
trong tủ lâu ngày và dường như đã quên mất sự hiện diện của chúng.
Ngọc Ngà thẳng tay vứt bỏ tất cả vào thùng rác, nàng lau
chùi lại các ngăn tủ lạnh thoáng mát cho sạch sẽ, chốc thể nào mẹ chồng cũng
hài lòng.
Nhưng không, Ngọc Ngà ở trong phòng đã nghe tiếng bà thảng
thốt la toáng lên:
- Ối
giời ôi…con ôi là con ôi..Sao lại vứt bỏ hết các thứ mẹ đã cất để dành trong tủ
lạnh rồi.
Ngọc Ngà chạy ra bếp:
- Có
những thứ lặt vặt mẹ để quên trong tủ lạnh lâu qúa con mới vứt bỏ thôi.
- Ai
bảo con là mẹ quên, con có muốn mẹ nhắc lại các thứ mà con đã đang tay vứt bỏ
đi không, hả?
- Những
thứ ấy có đáng gì đâu mẹ.
Người mẹ tự ái lên, đay nghiến:
- Phải,
với con thì chúng không đáng gì, nhưng với mẹ tất cả đều là tiền, mẹ chắt chiu
tiết kiệm như thế bao lâu nay nuôi chồng con ăn học nên người đấy.
Bà cụ thể hơn:
- Quả chanh
quả ớt không đáng gì nhưng con có thể mang ra khỏi chợ một qủa ớt, một qủa
chanh khi chưa trả tiền không?
Ngọc Ngà chạy vào phòng và bật khóc tức tưởi. Long đã chứng
kiến tất cả, chàng thương vợ nhiệt tình muốn lấy lòng mẹ chồng lại bị tổn
thương, nhìn nét mặt còn giận dữ của mẹ Long như đứng giữa ngã ba đường.
Làm sao Ngọc Ngà hiểu nổi cách mẹ chàng đã sống và tiết
kiệm, mỗi khi thịt cá, rau qủa sale rẻ mẹ mua chất đầy trong tủ lạnh dù nhu cầu
chưa cần đến. Những hộp, những chai lọ không bao giờ mẹ vứt bỏ mà cất đi để
dùng lại khi cần đựng chút gì là mẹ có ngay hộp hay lọ đúng kích cỡ, tiện lợi
vô cùng. Những bao bịch đi chợ về mẹ dùng đựng rác cũng đủ, có bao giờ mẹ phải
mua bao rác đúng kiểu của nó đâu.
Đám mây mờ nào trên bầu trời rồi cũng tan đi, mẹ chồng nàng
dâu lại bình thường như cũ, nhất là khi Ngọc Ngà báo tin mang thai, mẹ chồng
vui mừng chăm sóc con dâu.
Bà nấu những món ăn có lợi cho thai phụ và baby, bà dặn dò
con dâu phải biết nghỉ ngơi và đi đứng cẩn thận cho khỏi vấp ngã.
Bà xôn xao dự tính làm như chính bà sắp đi đẻ, để dành
vacation cả năm, bà sẽ có 3 tuần lễ ở nhà chăm sóc con dâu và cháu nội. Hơn thế
nữa bà sẽ xin đổi làm ca chiều thay vì ca sáng để chăm sóc cháu nội cho tới khi
bố hay mẹ nó đi làm về. Thế là đứa bé luôn được ấp ủ trong vòng tay người thân,
khỏi phải đi gởi trẻ và lại…tiết kiệm được bộn tiền.
Cháu nội trai của bà đã ra đời, tên Mỹ trong giấy tờ bà
không biết thế nào là hay nên vợ chồng Long toàn quyền đặt theo ý mình, còn tên
Việt Nam ở nhà bà gọi nó là Cu Tèo như bố nó ngày xưa là Cu Tí.
Bà gần gũi cháu và thương yêu nó như ngày xưa đã thương yêu
cha nó. Cu Tèo là hình ảnh cu Tí ngày xưa của bà.
Bà luôn bồng bế cháu, nựng nịu cháu, nó khóc một chút là bà
xót xa dỗ dành, lấy bình sữa cho cháu bú bất kể lúc nào, bà sợ cháu đói, cháu
“khổ”.
Vợ chồng Long sốt ruột, họ muốn nuôi con theo kiểu khác,
không chiều chuộng qúa đáng, không cho bé quen hơi vòi vĩnh.
Mẹ chồng luôn mang kiến thức, kinh nghiệm mấy chục năm về
trước của bà nội, bà ngoại hay bà cố nào đó để chỉ bảo con dâu nên mẹ và con
dâu thường xuyên có những bất đồng.
Ngọc Ngà mấy lần vùng vằng đòi chồng ra ở riêng, chàng luôn
đứng về những lý lẽ chính đáng của vợ, mẹ đã bao che cho gia đình này kỹ quá,
vợ chồng Long không thể tự lập sống theo ý mình, kể cả việc nuôi đứa con mình
sinh đẻ ra.
Có một người bạn của Long, bà nội ở nhà chăm sóc cháu mới
hơn 1 tuổi, bà vừa bế cháu vừa ăn đậu phộng rang, thằng bé chẳng biết gì cũng
với tay đòi ăn, bà cưng chiều cháu liền đút cho nó một hai hột đậu phộng, thằng
bé đã phải đi cấp cứu trong tình trạng khó thở ho sặc sụa vì mắc kẹt hột đậu
phộng trong họng.
Long tưởng tượng ra nét mặt kinh ngạc và thất vọng của mẹ,
lẻ loi và cô đơn của mẹ trong căn nhà này nếu Long nói lời ra riêng nên chưa
dám nói.
Người mẹ quá thương yêu con, đứa con trai duy nhất mồ côi
cha lúc còn bé, bao nhiêu tình thương yêu trên cuộc đời này mẹ đã dành hết cho
chàng. Đôi lúc Long lại …trách mẹ, gía ngày xưa góa bụa ở tuổi còn trẻ mới
ngoài 30 mẹ đừng ở vậy nuôi con, mẹ cứ tái gía ngay lập tức, sinh liên tiếp vài
đứa con nữa và…bớt thương chàng đi một chút có lẽ chàng không lâm vào cảnh khó
xử như ngày nay.
Cuối tuần này mẹ chồng than nhức đầu, Ngọc Ngà không bỏ lỡ
cơ hội, nàng nói với mẹ chồng:
- Mẹ
uống thuốc rồi nghỉ ngơi cho khỏe. Trưa nay mẹ đừng nấu nướng gì nhé, để con
lo..
Hai vợ chồng cùng baby ra phố, sau khi mua sắm và đi chợ,
vợ chồng Long ghé vào nhà hàng. Thỉnh thoảng lại được ăn những món ngon đúng ý
mình thật tuyệt vời, chỉ là món bình thường, tô phở tái nạm gầu gân sách mà
Long biết chẳng bao giờ mẹ chàng có thể nấu ngon bằng dù bà cố bắt chước mua đủ
thứ như nhà hàng đã làm.
Ngọc Ngà ăn dĩa bánh cuốn nóng sao mà ngon thế, miếng bánh
cuốn vừa mỏng vừa dai, miếng chả quế vừa béo vừa thơm. Ở nhà mẹ chồng tráng
bánh cuốn chảo cũng nóng đấy nhưng bột bánh không dai, có giò chả đấy nhưng làm
tại nhà chưa đạt tiêu chuẩn. Tổng hợp lại là một điã bánh cuốn kém chất lượng
mà vẫn phải ăn.
Ăn xong Ngọc Ngà order hộp cơm tấm sườn bì chả kèm theo ly
chè sương sa hột lựu mang về cho mẹ. Hi vọng về nhà mẹ đã đỡ mệt và ăn ngon
lành hai thứ này.
Qủa thật mẹ chồng đã khỏe lại, bà ngồi lù lù nơi bàn có vẻ
như đang chờ đợi vợ chồng Long về. Vừa thấy mặt là người mẹ trách mắng:
- Sao hai con không để cu Tèo ở nhà với mẹ, đày đọa nó ra
ngoài đường nắng gió thế…
Long nói với mẹ:
- Chúng con muốn mẹ nghỉ ngơi nên mang cu Tèo đi
chợ luôn, Ngọc Ngà đã mua đầy đủ rau ria cá thịt như mẹ đã từng mua.
Bà bắt bẻ:
- Nhưng
hai con đi những chợ nào? Con có biết là cùng một món đồ mà mỗi chợ bán một gía
khác nhau và chúng ta có thể tiết kiệm được vài đồng dễ dàng không?.
Rồi bà kể kinh nghiệm…ngày xưa:
- Lúc
còn ở Việt Nam mẹ đi chợ biết trả gía, kỳ kèo thêm một bớt hai nên luôn mua
được giá rẻ.
Liếc nhìn hộp cơm tấm và ly chè sương sa của mình với ánh
mắt…lạnh lùng, người mẹ xót xa:
- Hai
món này mẹ làm ở nhà được mà, youtube chỉ dẫn hàng đống kìa. Ly chè sương sa
giá “cắt cổ” những $4.99 cơ à..
Long khoe:
- Nhưng
là món ngon mẹ thích do Ngọc Ngà chọn mua cho mẹ đấy, ai cũng làm ở nhà như mẹ
thì hàng quán dẹp tiệm cho rồi.
Người mẹ lại tự ái lên:
- Con
còn cố cãi mẹ à? Đáng lẽ con phải nhắc nhở vợ lần sau đừng phung phí như thế
chứ.
Ngọc Ngà xụ mặt xuống và đi về phòng, cả buổi sáng vui vẻ
bỗng tan biến mất khi về đến nhà.
Mẹ chẳng hài lòng, vợ thì giận dỗi, Long bực bội thốt lên:
- Mẹ qúa đáng lắm, cũng phải để chúng con sống
theo ý mình chứ.
Người mẹ sững sờ nhìn con trai trong vài giây và cay đắng:
- À
thì ra bấy lâu nay công tôi thương yêu lo lắng vun xới cho cái nhà này là quá
đáng đấy.
Lần này Ngọc Ngà nhất định đòi ra ở riêng. Long cũng xiêu
lòng theo, mẹ chàng vẫn còn trẻ và còn sức khỏe để sống một mình. Bao giờ mẹ
gìa thì vợ chồng con cái chàng lại về sống chung để lo cho mẹ. Bây giờ chàng
phải sống cho chính mình, cho gia đình riêng bé nhỏ của mình và tránh những
xung đột, những sứt mẻ tình cảm mẹ chồng nàng dâu có thể xảy ra trong tương
lai.
Vài hôm sau Long nói với mẹ quyết định dọn nhà, người mẹ đã
kinh ngạc và ràn rụa nước mắt:
- Nhà
này của các con, còn đi đâu nữa?
Nhìn mẹ chồng khóc Ngọc Ngà chạnh lòng, năn nỉ:
- Mẹ ơi, chúng con chỉ muốn tự lập cho quen, dù ở đâu chúng
con vẫn là con là cháu của mẹ.
Ngọc Ngà nhất định chọn thuê căn apartment ở thành phố lân
cận, chỗ làm ở giữa nhà cũ và nơi ở mới, thời gian đến chỗ làm không thay đổi
nhưng từ nhà cũ đến apartment phải mất 1 giờ xe. Nàng biết bà mẹ chồng không
dám lái xe đi xa, lại là đến thành phố lạ.
Ngọc Ngà nói cho chồng hiểu:
- Không
phải em muốn kẻ đầu sông người cuối sông, nếu ở gần, mẹ thương con nhớ cháu
ngày nào cũng đến thăm thì cũng như không, chẳng thay đổi được gì. Chúng ta sẽ
chủ động về thăm mẹ khi muốn, chắc chắn là mẹ buồn nhưng mẹ sẽ quen thôi, cũng
như cha mẹ em sống ở tiểu bang khác cả năm mới gặp chúng ta một hai lần có sao
đâu.
Ngày vợ chồng Long dọn đồ đạc đi, người mẹ cố níu kéo bồng
bế cháu nội đến giây phút chia tay, Long phải hết lời hứa hẹn và an ủi mẹ mới
cất bước nổi ra xe về nơi kia.
******************
Được sống riêng theo ý mình thật là tuyệt vời, Ngọc Ngà
quên những lời mẹ chồng luôn dặn dò chắc nịch như đinh đóng vào cột:
- Chớ bao giờ mua những thứ vô bổ
không thiết thực trong đời sống con nhé. Thí dụ những bức tranh nổi
tiếng của danh họa Picasso cho dù có…. onsale đại hạ gía rẻ bèo cũng chẳng
nghĩa lý gì đối với chúng ta. Muốn treo tranh con cứ treo hình thằng cu Tèo nhà
mình là đẹp nhất.
- Chớ bao giờ mua những
rau quả trái mùa con nhé. Hãy nhịn đến giữa mùa giá rẻ tha hồ ăn
Rau muống trái mùa những $3.99 một pound nàng vẫn mua về,
chỉ nhặt lấy ngọn rau cho mềm để xào tỏi. Ôi nếu mẹ chồng mà nhìn thấy những
cọng rau muống đắt gía này bị nàng bỏ đi chắc chắn bà sẽ đau lòng lắm.
Nhãn tươi Florida, Hawaii đầu mùa $6.99 một pound nàng mua
về mấy pound ăn chơi. Bà biết sẽ đau ruột lắm..
Cuối tuần vợ chồng nàng đi phố và ăn tiệm, chẳng tội tình
gì nàng phải chui vào bếp nấu nướng trong hai ngày nghỉ cuối tuần.
Ngọc Ngà thấy mình hạnh phúc hoàn hảo nếu không có chuyện
gởi cu Tèo cho day care, buổi sáng vợ chồng nàng phải dậy sớm sửa soạn cho con
và mang nó đến đó. Buổi chiều cũng vội vã đến day care đón con cho đúng giờ.
Hôm nào kẹt xe bụng dạ càng sốt ruột lo âu.
Cu Tèo mới về nơi ở mới vài tháng mà nó cũng hao người đi
vì “vất vả” như bố mẹ, sáng nó đang ngủ ngon lành bị mẹ đánh thức
dậy “bắt” bú sữa, Ngọc Ngà cho con bú no mới yên tâm chứ trông đợi gì cô nhà
trẻ, rồi thay tã lót, thay áo quần và ra ngoài đường phố bất kể sớm mai ấy gió
lạnh hay mưa sa.
Chiều Cu Tèo cũng bị cô nhà trẻ bế thốc lên khi đang say
sưa ngủ để giao trả cho bố mẹ.
Sau mấy tháng ở riêng vợ chồng cùng tổng kết, được sống
theo ý mình thích thật đấy nhưng thêm bận rộn lại hao tốn bộn tiền, nào tiền
thuê nhà, tiền gởi trẻ, tiền ăn uống, chợ búa. Muốn mua nhà phải để dành thêm
một thời gian nữa mới có tiền pay down kha khá.
Chiều nay về đến nhà Ngọc Ngà lao vào bếp lo cơm nước như
mọi ngày, con khóc đói sữa cũng chưa có ngay như bà nội nó phục vụ hầu hạ hôm
nào.
Long phải thốt lên:
- Hồi
ở với bà nội cu Tèo sung sướng bao nhiêu. Chúng ta đi làm về cơm nước mẹ nấu
sẵn, chúng ta chỉ việc thảnh thơi chăm lo cho con
Ngọc Ngà ỉu xìu:
- Em
biết rồi, thế mà trước khi lấy chồng em không hề muốn ở chung, giờ em mới hiểu
ở chung với cha mẹ con cháu được đỡ đần biết bao nhiêu, nhất là người thương
con thương cháu qúa nhiệt tình như mẹ anh. Tâm hồn em cũng đang…giằng co đây,
nhưng được cái này thì phải mất cái kia thôi, chả lẽ lại quay về với mẹ? kịch
bản cũ tái diễn chán lắm, mà anh đừng ngồi đấy than thở nữa, pha sữa cho con
đi..
Long bối rối
- Mấy
thìa sữa, mấy nước hả em?
Ngọc Ngà gắt gỏng:
- Ngày
nào anh cũng pha sữa cho con mà còn hỏi là thế nào?
- Nó
gào khóc, em hối thúc càng làm anh sốt ruột và quên hết…
Trong nhà đang ầm ĩ tiếng cu Tèo khóc, tiếng Long lẩm bẩm
thở than và cả tiếng dao thớt khua thì bên ngoài bỗng có tiếng gõ cửa đồng thời
với tiếng chuông cửa không ngừng nghỉ. Ngọc Ngà phán đoán:
- Giờ
này chỉ mấy đứa đi phát tờ giấy quảng cáo cho nhà hàng hay bảo hiểm nhà xe, anh
khỏi cần mở cửa.
- Anh
cũng đoán thế, mà anh có ba đầu sáu tay đâu vừa pha sữa cho con vừa ra mở cửa
cho họ được .
Tiếng gõ cửa càng dồn dập, tiếng chuông cửa càng dai dẳng
hối thúc, Long quăng mọi thứ trên bàn ra mở cửa để cho kẻ phá rối một bài học,
nhưng chàng há hốc miệng ngạc nhiên mãi mới kêu lên:
- Mẹ..thì
ra…là mẹ…
- Phải,
mẹ đây.
Bà bước vào nhà, một cái liếc mắt rảo quanh là bà biết việc
gì cần làm. Bà bế ngay thằng cu Tèo dỗ cho nó nín khóc, một tay bế cháu một tay
bà pha bình sữa chỉ trong chớp mắt là xong trong khi Long vẫn ngẩn ngơ tự hỏi
làm cách nào mẹ chàng …dám lái xe đường xa đến thành phố lạ này??
Cho cháu bú bình sữa, người mẹ thong thả bảo hai con:
- Hai
đứa đừng ngạc nhiên đứng sững như trồng cây chuối thế. Các con tưởng “ngăn sông
cách chợ” thế này là mẹ chịu thua không đi thăm con cháu được hả. Mẹ tìm bản đồ
trên iphone để lái xe đến đây, mẹ nấu đồ ăn theo youtube dở thì mẹ nấu lại, mẹ
đi đường theo bản đồ chỉ dẫn, đi sai thì mẹ đi lại cũng sẽ đến nơi. Cánh cửa
nào nỡ khép khi ta quyết tâm đi đến hả con.
Ngoc Ngà cảm động lí nhí:
- Cám
ơn mẹ đã đến thăm chúng con
Long ngợi khen:
- Con
từng thán phục mẹ không biết nhiều tiếng Anh mà vẫn nói được tiếng Anh cho
thiên hạ hiểu, hôm nay mẹ thêm tài không biết đi đường xa mà vẫn đến một thành
phố lạ, đến nhà chúng con được. Mẹ có…bí quyết gì?
- Ối
giời, mẹ nói tiếng Anh phải phụ họa khua chân múa tay, “vũ điệu” ngắn dài cho
tới khi nào người ta hiểu mới thôi chứ có bí quyết gì đâu…Còn hôm nay lái xe
đường xa, con có biết là trên highway mẹ đã đi lộn mấy exit không ? vòng mấy
lượt U turn không ? chỉ vì không nghe kịp lời chỉ dẫn. Vào thành phố mẹ căng
thẳng suýt vượt đèn đỏ mấy lần không? Lái xe loạng quạng vì mải tìm tên đường
bị người ta bấm còi xe inh ỏi làm mẹ hết hồn mấy phen không? Nhưng nghĩ đến
thằng cu Tèo mẹ lại tỉnh người ra..
Mẹ ngọt ngào tiếp:
- Mẹ
không chỉ đến thăm mà còn bàn với hai con chuyện nhà mình. Suốt mấy tháng các
con dọn đi mẹ buồn lắm, mẹ đã hiểu ra thương yêu và lo lắng cho con cháu nhiều
qúa đôi lúc cũng xâm phạm quyền riêng tư của chúng. Long đã nói đúng, mẹ cám ơn
con
Long ân hận:
- Mẹ
ơi con đã lỡ lời.
- Để
mẹ nói tiếp, mẹ muốn các con lại về với mẹ. Từ hôm nay mẹ sẽ sống khác, hai con
cứ sống theo cách của mình, đường đời còn lại của mẹ là đi cùng hai con thôi.
Ngọc Ngà cảm động đến long lanh giọt lệ:
- Chúng
con cũng đang tự trách mình đã dọn ra riêng, chúng con muốn về với mẹ cho cu
Tèo được bà nội phụ tay chăm sóc.
- Còn
điều này nữa, căn nhà của chúng ta đã qúa cũ, ngày đó bố mẹ mới qua Mỹ vài năm,
đồng tiền eo hẹp nên chọn mua nhà vừa nhỏ vừa cũ cho rẻ tiền. Hôm nay đã khác,
chúng ta sẽ bán căn nhà ấy đi và mua căn mới rộng rãi hơn cho thoải mái hai con
ạ. Nãy đi trên highway mẹ thấy bảng cắm nhiều builder nổi tiếng, kiểu nhà đẹp
lắm, các con hãy đến xem và chọn căn nào thích nhất. Mẹ còn đi làm, sẽ phụ các
con tiền trả mortgage hàng tháng, mẹ quyết không để nhà băng ăn lời chúng ta
dài hạn đâu.
Ngọc Ngà tế nhị:
- Ngày
nào trên đường đi làm con cũng thấy những căn nhà mơ ước ấy, mẹ sẽ giúp chúng
con tìm được căn nhà cho gia đình chúng ta mẹ nhé. Con cám ơn mẹ nhiều lắm.
Long hào hứng:
- Phải
nhờ mẹ…trả giá kỳ kèo bớt một thêm hai, tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy chứ
mấy tay bán nhà nhìn theo tâm lý người mua, chúng con không kinh nghiệm bằng mẹ
đâu.
Thằng cu Tèo bú no nhoẻn cười nhìn bà nội. Ngọc Ngà đang
nhanh tay nấu nướng cho kịp bữa cơm chiều ấm cúng.
Bà vừa hôn cháu vừa nói với hai con:
- Mẹ
biết rằng mẹ sẽ đến được đây nhưng…..không về được vì trời tối, lạ đường lạ
phố, nên mẹ đã lên kế hoạch là tối nay mẹ ngủ lại với thằng cu Tèo, mẹ nhớ nó
qúa…cu Tèo ơi, cu Tèo của bà ơi….
Nguyễn Thị Thanh Dương.
No comments:
Post a Comment