Thursday, May 4, 2023

NHỮNG KÝ ỨC NHÓI LÒNG (NGUYỄN HOÀNG QUÝ)

 


                   NHỮNG KÝ ỨC NHÓI LÒNG


NGUYỄN HOÀNG QUÝ.


Còn nhớ, dù đã 48 năm, làm sao mà quên được một biến cố quá to tát trong đời mỗi người, mỗi công dân MNVN và cả một chế độ Cộng Hòa luôn đặt nền tảng trên nhân ái, nhân vị, nhân hòa!

Năm 1975, tôi đang dạy học ở Cam Ranh, khi Cộng Sản tấn công Ban Mê Thuộc và cuộc “rút lui chiến thuật” của quân đội VNCH đang diễn ra thì nơi tôi ở bắt đầu xôn xao. Dòng người và lính tráng từ cao nguyên Trung phần đổ về, từ miền Trung đổ vào bằng mọi phương tiện ngày một tăng lên. Thị xã vốn đã nóng càng nóng hơn!

Ngày 2 Tháng Tư, Nha Trang thất thủ, buổi chiều đã thấy bộ đội giải phóng mũ tai bèo cắm cờ mặt trận trên xe Jeep lùn của Mỹ  chạy vào khu cư xá Đoàn Kết. Trên xe có vài khuôn mặt quen thuộc và cả một em học trò lớp 9 tôi đang dạy.

Gia đình chú em họ sắp xếp cho tôi và một chú em khác bằng mọi giá phải theo dòng người xuôi Nam. Hai anh em lấy xe Honda dame với ít hành lý chạy vào Phan Rang. Không được, không thể mạo hiểm, đành quay về. Tối, lại đem hành lý xuống cầu tàu Đá Bạc, cũng ngập người trên bờ giành giật nhau leo lên các ghe nhỏ để ra tàu HQ 504 qua bán đảo Cam Ranh hoặc đi vào Nam. Lại nguy hiểm, đành quay về và “phú” mọi việc cho Trời Phật, chấp nhận ở lại dù đã quá sợ cộng sản qua kiến thức học được và qua kinh nghiệm gia đình khi sống với họ những năm 1945 – 54 ở Nam Ngãi Bình Phú là “vùng kháng chiến”.

Chiến sự giữa giữ gìn và giành giật từng tấc đất diễn ra từ cầu Trà Long (nam Cam Ranh) đến Du Long, Ninh Thuận cho đến suốt vùng Xuân Lộc Đồng Nai, cửa ngõ phía Nam Sài Gòn.

Ngày 11/4 cầu Xóm Bóng Nha Trang bị ném bom, dân chúng kháo nhau rằng quân đội VNCH sẽ dùng bom CBU để giữ chân và tiêu diệt binh lính Việt cộng.

Ngày 12/4 hai anh em tôi lại vào Đá Bạc, qua tìm hiểu và liên lạc của dượng tôi để vượt biển vào Sài Gòn. Lúc đó dượng vừa từ Sài gòn về bằng đường bộ và cả nhà đã ra Hòa Nghĩa sau khi cư xá bị bom trước đó. Với chiếc ghe F5 chở được 15 người,
chúng tôi vào Ninh Chữ, Phan Rang. Tối hôm sau, từ Ninh Chữ lại thuê tàu hàng về Vũng Tàu. Đến hải đăng Hàm Tân thì tất cả tàu thuyền phải trú lại vì bão biển! Mọi tàu đều ở lại, riêng chủ tàu tôi đi quyết ra khơi để trả khách xong kịp quay về đón gia đình ở Phan Rang đi lánh nạn. Lượng người ở cầu tàu Đá Bạc, ở Hàm Tân, trên quốc lộ 1 vào Sài Gòn hoàn toàn không khác cảnh thấy được trên phim tài liệu làn sóng người ở cảng Hải Phòng xuôi tàu về Nam sau hiệp định Geneve và không khác cảnh rồng rắn trên đèo Hải Vân mùa hè đỏ lửa 1972!

May mắn, vượt qua bão tố suốt đêm, ghe chúng tôi đến được Bãi Sau Vũng Tàu vào sáng hôm sau, chỉ là ai nấy đều khốn khổ vì bị những con sóng quái ác hành hạ. Có thế này, sau này mới hiểu và cảm thông cho hàng triệu thuyền nhân trong hành trình tìm tự do giữa đại dương mênh mông vô định với hải trình dài, lo bị bắt trước khi đến hải phận quốc tế, lo bão tố, thiếu thực phẩm, nước uống và còn có thể bị hải tặc hãm hiếp, cướp bóc.

Về Sài Gòn, tìm nhà quen tá túc xong, anh em tôi lấy xe Honda đi tìm thân nhân từ miền Trung vào, đến văn phòng liên lạc của Bộ Giáo dục đường Trần Quý Cáp nhận một lúc 3 tháng lương ứng trước cho giáo chức di tản từ các tỉnh về. Giờ này nghĩ lại, việc phụng sự cho nền giáo dục “dân tộc, nhân bản và khai phóng” luôn là chọn lựa đúng của mình. Gặp một đứa cháu trong họ, cháu đi xe đạp từ Đà Nẵng vào Sài Gòn, dĩ nhiên là những đoạn không có xe đò. May mà cháu không ăn đạn đại liên của cộng sản như họ đã bắn vào đoàn người dân Quảng Trị về Huế tìm tự do hồi 1972 để nơi này mãi có tên “Đại lộ Kinh hoàng” vì có hàng ngàn thường dân vô tội đã chết ở đây khi bị Bắc quân bắn!

Sài Gòn loạn lạc vào những ngày cuối cùng, sáng 29/4, đứa em họ từ trường Chiến tranh Chính trị Đà Lạt di tản về mua được một thùng sữa hộp do dân hôi của từ các cửa tiệm ra bán rẻ. Do thiếu thốn lâu ngày, chàng khui nguyên hộp đổ ra thau bỏ đá vào uống liên tục, một mình và sau phải bị tiêu chảy cả ngày.

Chiều 29, hai anh em đến cả 4 cổng Tòa Đại Sứ Mỹ tìm đường đi, vô vọng. Sau này khi biết là tàu há mồm đậu ngay cảng Sài Gòn đón người đi thì mình lại không biết! Âu cũng là do duyên chưa đủ. Ra Hàng Xanh, đường bên kia cầu Phan Thanh Giản tới Văn Thánh đầy quân phục, súng ống của lính các nơi chạy về sau khi phòng tuyến Xuân Lộc thất thủ. Khi quay về, gặp một người lính mang sắc phục lính dù, mũ đỏ đứng bên chiếc xe tăng M113 đậu sát lề phải đã chết máy, ôm đại liên M60 nã đạn lên trời. Sau đó, anh bình thản rút súng ngắn chĩa vào đầu mình và bóp cò! Tôi lặng người trước hình ảnh oai hùng này của anh, một sĩ quan không rõ cấp bậc. Cái chết của anh là một trong nhiều vụ tự sát thương tâm vì không hoàn thành nghĩa vụ với tổ quốc. Tối về, trằn trọc mãi khi nhớ lại hình ảnh thấy gần cầu Phan Thanh Giản chiều hôm đó. Cảm nhận này lại tái hiện khi thăm “Bảo tàng thuyền nhân” ở San Jose 45 năm sau, khi nhìn thấy hình ảnh và tiểu sử các tướng lãnh VNCH tuẫn tiết được khắc trên bia đá trước bảo tàng!

Những ngày này, anh em tôi cũng gặp đây đó trên phố những người lính “quân giải phóng” ngơ ngác giữa “Sài Gòn hoa lệ”, cái ngơ ngác của cả đoàn quân khi tiến vào từ cửa ngõ phía tây trên đường Lê Văn Duyệt được nhìn thấy khi đứng từ ngã tư Cao Thắng sáng 30/4. Đúng như nhà văn nữ Dương Thu Hương kể lại, bà ngồi bệt xuống lề đường phố Sài Gòn và khóc ngon lành! Tội nghiệp cho họ, tội nghiệp cho mình, tội nghiệp cho một chính thể Cộng Hòa yểu tử, tội nghiệp cho nhân dân của một chính quyền bị bức tử do mang thân phận nhược tiểu trước bàn cờ chính trị quốc tế!

Bốn mươi tám năm, kinh tế khó khăn của những năm bao cấp 1975 – 85 làm mai một dần trong ký ức những gì xảy ra trong những ngày Tháng Tư u ám đó nhưng chắc một điều, từ 10 Tháng 3, trên toàn lãnh thổ VN sẽ diễn ra nhiều kỵ giỗ và cho đến cuối Tháng Tư sẽ có tính đồng loạt hơn.
Đó là nén nhang tưởng tưởng niệm cho binh lính và đồng bào hai miền Nam Bắc đã chết, không khác với ngày 23 tháng 5 âm lịch (1885 – biến cố Kinh thành thất thủ) và Tết Mậu Thân 1968 ở Huế - đối với người dân Huế.

Sau 1975, nhiều luận giải từ chiêm tinh, sấm ký về nguyên nhân dẫn đến tình trạng MNVN rơi vào tay cộng sản được bàn đến. Người ta dùng Phật pháp khi nói về cộng nghiệp của dân miền Nam, về luật nhân quả khi nói về quá khứ tiêu diệt Chiêm Thành của cha ông, về sự phản bội của đồng minh Hoa Kỳ... Tuy nhiên, người viết nghĩ là do “vận nước”, lý giải cả theo hình nhi thượng lẫn hình nhi hạ. Điều đó, như nhạc sĩ Phạm Duy viết trong nhạc phẩm “Tình ca” rằng dân Việt “Khóc cười theo vận nước nổi trôi”. Nếu ông là tiên tri thì tại sao chúng ta không nghĩ rằng nhạc sĩ Du Ca Nguyễn Đức Quang cũng là tiên tri khi ông ta viết trong “Việt Nam quê hương ngạo nghễ” như một lời hiệu triệu rằng:

 “Còn Việt Nam, triệu con tim này còn triệu khối kiêu hùng”.


NHQ


No comments: