Monday, May 29, 2023

THẰNG KẢI (ĐẶNG KIM CÔN)

 

Đặng Kim Côn


 

Thằng Kải

 

Trực tiếp “hỏi cung” tôi ở hai chỗ An Ninh Quân Đội và Quân Cảnh Tư Pháp là hai sĩ quan đều cấp bậc đại úy đứng tuổi, chững chạc, nghiêm nghị, nhưng không có vẻ thị uy, ra oai với tôi. Họ không quanh co đánh đố gì tôi, chỉ đi thẳng vào vấn đề. Tôi cũng trình bày một cách gọn gàng, rõ ràng. Mỗi câu trả lời của tôi đều được ghi vào biên bản, cũng có truy vấn, vặn vẹo đôi chút, nhưng thấy chuyện đơn giản, và không có gì xảy ra dữ dằn như đơn khiếu nại nên chỉ sau hai buổi làm việc mỗi nơi là họ kết thúc hồ sơ, và họ cũng cho biết là họ đã tiếp xúc bên kia, đã xác minh sự việc có đúng như lời khai của tôi hay không.

Chuyện đơn giản là, tôi và một thằng em có đến nhà võ sư Hắc Ó, một võ đường có nhiều học trò ở thành phố tôi, với mục đích thăm hỏi rất thân thiện. Cái thày lay ở chỗ, ba tôi sắp tới sắp tổi chức một cuộc đấu võ, gọi là võ đài, với sự tham gia của một số võ đường các tỉnh, thành phố, tất nhiên hầu hết những võ đường trong tỉnh tôi đều có góp mặt. Được nghe mấy năm trước, mấy trận võ đài ở các tỉnh gần và ở tỉnh nhà, các võ sĩ phía Nam, nhất là Sài gòn, mạnh quá. Họ luôn thắng áp đảo các võ sĩ địa phương, nên lần này anh em tôi nghĩ cũng nên có đối sách nào khả dĩ sánh vai được với võ lâm.

Ý tôi muốn gợi lên một chút cảm động, cảm xúc về cái tình cảm của ba tôi với bác, với võ đường bác:

-Ba cháu quý bác lắm, ba có nhắc hôm Kải nó đấu ở Đông Tác, trên đường về nó nằm trên đùi ba cháu, mình mẩy máu me dính cả lên áo quần ba cháu…

Võ sư Hắc Ó chỉ ậm ừ, tôi có chút giật mình, mình sai rồi, nhắc chi tới cái ám ảnh mà ông muốn quên ấy. Trận đó Kải, con ông, thua một võ sĩ tỉnh khác, xuống đài không còn đứng nổi, chính ba tôi đã dìu Kải ra chỗ thoáng mát nghỉ ngơi, cũng như trên xe về đã để Kải nằm trên đùi như một người thân.

Biết lỡ lời, tôi cố gỡ:

-Ba cháu khen con bác gan góc lắm, hy vọng thất bại là mẹ thành công, Ba cháu nói nó đấu có nét lắm, lần sau gặp lại có khi kết quả chắc sẽ khác.

Ông võ sư trả lời cộc lốc:

-Cám ơn.

Lại một lời không mấy khôn ngoan nữa, nếu chỉ nhắc tên Kải, hay là học trò bác thì có lẽ không khí nhẹ nhàng hơn, hai tiếng “con bác” đã như một mũi kim đâm thấu tim gan ông. Tôi vẫn kiên trì:

-Ba cháu nói võ nghệ tỉnh mình không đến nỗi tệ, ở hai tỉnh giáp mình họ đứng nổi, sao mình lại không, nên ý cháu nghĩ, đồng ý là ba cháu với bác, hai con cọp ở một rừng, có chút không hài nhau, không ai nghĩ mình thua ai, nhưng cháu nghĩ vì danh dự tỉnh nhà, vì phong trào về lâu về dài, các vị nói chung cũng nên đoàn kết, có oán thù gì cũng nên bỏ qua, oán thù nghi giải bất nghi kết…

Chỉ có vậy mà anh em tôi phải đáo tụng đình về tội tôi đã đem lính tráng tới nhà ông đe dọa,

Ông méo mó một cách cố tình hay đúng là… không hiểu biết, cái câu “bất nghi kết, ông biến thành một kiểu nói theo một tiếng lóng mà giới dao búa thường dùng, tao kết mày, là tao cay cú mày rồi, là tao sẽ xử mày…

Đến khi cơ quan thứ ba, Chi Cảnh Sát quận, mời tôi, tôi mới hiểu thêm một điều, Hắc Kải đã không cò cơ hôi tái đấu nữa, nó đang là một thiếu úy cảnh sát ở tỉnh này. Có lẽ vì tính đồng đội, vĩ sĩ quan cảnh sát cố hạch sách tôi để tìm ra tội lỗi của anh em tôi, họ muốn tôi phải bị trừng phạt, mà bị phạt lúc này thường là bị đẩy đi Tây Nguyên, nơi đang “Mùa Hè Đỏ Lứa” với không biết bao nhiêu là xương máu phải gửi lại chiến trường. Nội cái việc tôi phải mất hơn tuần lễ lui tới mấy cơ quan điều tra này, đã đủ làm các cấp chỉ huy của tôi “kết” tôi rồi. Tôi thất vọng cho trình độ hiểu biết của một võ sư già mà ít nhiều cũng sống dưới thời Hán học còn thịnh, thì ít, cứ cho là cái xuất thân quê mùa ít học của ông ta đã gây nên nông nỗi, mà trách thằng con của ông, một sĩ quan cảnh sát, có ăn học thì nhiều. Có phải cảnh sát biết nhiều luật quá dễ “chế tạo” ra tôi để biến phải thành trái gài buộc người vô tội không? Có thể tha thứ cho nó nếu quả thật nó dốt chữ Hán. Chỉ tội cho cái hệ thống viên chức quốc gia, bõ công đào tạo những con người chỉ biết nắm đấm mà cái đầu thì không chứa óc bình thường như người khác. Cầm luật pháp kiểu đó có phải vô tình đẩy cái cảm tình của người dân về phía bên kia không.

Tôi muốn được gặp nguyên đơn, ông võ sư Hắc Ó, kể cả cái người chủ trương kiện cáo này, để giải thích cho họ hiểu, nhưng, tôi cũng nói thẳng với vị sĩ quan cảnh sát, tại sao mình lại tốn sức dạy dỗ họ, nếu quý vị thấy lời khai của tôi không đúng thì cứ có thể nói cho tôi biết tôi sai chỗ nào.

Tất nhiên là cuối cùng không ai có thể chế tạo nên tội danh của tôi. Lịch sự thầm dễ ở, hổ ngươi thầm biết thuở nào nguôi.

Có điều, cái hệ quả sau cái vụ này không đơn giản, thằng em tôi nóng nảy, tức tối đến nhà ông võ sư Hắc Ó la lối gọi họ là một bọn ngu dốt, cậy quyền thế, cậy võ nghệ, ngon thì chơi tay đôi dưới đất với nó. Hắc Kải không dám ra mặt, giấu mình trong những tờ đơn thưa kiện của hắn, đám đệ tử của thầy Hắc Ó thì chỉ biết đứng trố mắt nhìn, không biết là chúng sợ một tay lính tráng liều mạng hay chúng thấy cha con ông thầy chúng hồ đồ quá. Thằng em tôi được thể làm tới:

-Thầy bà gì, dốt nát, hiểm ác thế dạy ai, rồi đám học trò sẽ ra sao khi ra đời bằng những con người võ vô văn như vậy.

Vô hình trung, thằng em tôi tạo cơ hội cho họ nắm cái lý trong tay, em tôi bị thuyên chuyển tới một đơn vị biên phòng ở Tây nguyên, tháng 3 năm 1975, bị thương hai chân, mười một ngày la lết trong rừng, may gặp một người dân tộc cứu, ở nhà nghe tin nó chết đã cúng giỗ đến tam thất hăm mốt ngày. Và tôi, cũng “được” chuyển lên đơn vị xa tiểu khu nhất, giáp giới với một tỉnh Tây nguyên, nơi đã nhiều năm bị Việt cộng cắt đứt giao thông bằng mìn bẫy suốt hơn 30 cây số, mọi người đi lại chỉ nhờ vào những chuyến trực thăng công tác của quân đội., năm 1975 cũng lặn lội trên con đường máu, con đường triệt thoái của quân khu.

Còn may, anh em tôi vẫn sống và về được tới nhà…

 

1980

 

Đặng Kim Côn.


No comments: