Saturday, May 27, 2023

QUÂN Y SĨ NHẢY DÙ KHÓA 21 HIỆN DỊCH (PHAN NGỌC HÀ)

 

(HÌNH MINH HỌA)

  Quân Y sĩ Nhảy Dù Khoá 21 Hiện Dịch        

Kính thưa quý niên trưởng và các bạn,

Để góp ý với anh Tống viết Minh về truyện ngắn Đôi Mắt Phượng của ông Nguyễn Đạt Thịnh nhiều lần xuất hiện trên internet và các diễn đàn Y khoa, tôi, với tính cách là một Quân Y sĩ thuộc khoá 21 Hiện Dịch xin được trình diện trước quý vị các Quân Y sĩ Hiện dịch thuộc Khoá 21, đã một lần hiên ngang "xem cái chết nhẹ tựa lông hồng" khi tình nguyện đầu quân về Sư Đoàn Dù vào những năm cuối cùng của cuộc chiến. Vì danh dự, chuyện 'thanh minh thanh nga"này lẽ ra là việc mà các Quân Y sĩ về Tiểu Đoàn Quân Y Dù phải làm, nhưng có lẽ như người Pháp vẫn nói"cái tôi đáng ghét" (le moi est pire), họ chưa có dịp cải chính nên tôi, một Quân Y sĩ Bộ Binh sẽ khách quan hơn khi đề cập đến các bạn Nhảy Dù Cố gắng.

Và đây...

    

          Các Quân Y sĩ Hiện Dịch tốt nghiệp năm 1974 về phục vụ ở Sư Đoàn Dù

 

 1-Châu Hữu Hầu- Nguyên là một SV trong ban cán bộ của TĐ SVQY trong hệ thống tự chỉ huy của Trường Quân Y, hiện giờ là Giám đốc bệnh viện tư nhân ở Châu Đốc, khá thành công về mặt tài chánh và rất nhiệt tình đón tiếp bạn bè từ ngoại quốc về thăm quê hương.

 

2-Nguyễn Văn Liêm, là Y sĩ trưởng của một tiểu đoàn Dù tân lập, giờ thứ 25 vẫn còn chiến đấu với các binh sĩ Nhảy Dù trên Xa lộ Biên hoà. Người rất từ tốn, học khá giỏi, đậu phần chuyên môn ECFMG vào năm thứ 6 Y khoa ở VN. Hiện đang sống ẩn dật đâu đó ở Houston, rất ít tiếp xúc với bạn bè

 

3- Trương Văn Như, người rất chịu khó, làm nhiều việc để kiếm tiền ngoài giờ học, ca cải lương rất mùi với bài "năm Con Vợ" nên có nick name là Như 5 vợ. Hiện làm phòng mạch đắt khách ở vùng Orange County đã cùng với Nguyễn Chi Vỹ, hội trưởng hội Tây-Sơn Bình Định (cũng là QYsĩ K21 HD) đóng góp số tiền khá lớn để xây tượng đài Vua Quang Trung ở vùng này.

 

4- Trần Duy Thanh, tự là "Thanh kều” vì tầm thước khá cao, giỏi nhiều môn thể thao, nhất là bóng bàn, đã một lần vô địch bóng bàn ở Trường Y khoa (1973), đã cùng với danh thủ Trần Thanh Nhơn, Nguyễn Chi Vỹ và Dũng"gù" mang cúp vô dịch bóng bàn do Tổng cục Quân huấn tổ chức vào năm 1973 về cho TQY, hiện "Thanh kều”đang định cư ở Australia

 

5- Nguyễn Văn Thạnh, biệt danh Thạnh đen, người duy nhất trong 7 QY Sĩ của Khoá 21 HD về SĐ Dù lập gia đình vào năm cuối ở Trường Quân Y. Thạnh đen được phân phối về Tiểu -Đoàn 19 Tân lâp có căn cứ ở Long-bình. Ngày cuối theo đơn vị di tản về Saigon và đã may mắn vào được trong sân Toà Đại Sứ Mỹ, là người bạn duy nhất trong số 7 Quân Y sĩ của Khoá 21 Hiện Dịch về SĐ Dù không bị tù tội hay chết chóc sau chiến cuộc. Định cư ở Canada vào năm 1975, có ECFMG từ VN, khá thành công ở một BV ở Montréal, người vợ tào khang, chị Trần-Huỳnh Mai đã mất khoảng hơn 10 năm trước, rất thương vợ nên Thạnh chỉ mới tục huyền từ vài năm nay.

 

6- Nguyễn Xuân Thiều, một trong những SV cán bộ trong hệ thống tự chỉ huy, người sống rất nề nếp (được anh Phạm Gia Cổn khen là người giữ kỷ luật trong ngày cuối cùng ở mặt trận Phan rang), đã đi vào lòng đại dương trong chuyến vượt biển tìm tự do. Xin bạn Thiều yên nghỉ trong Cõi Vĩnh Hằng

 

7- Nguyễn Văn Thịnh, có nick name là Thịnh con hay Thịnh "đui" vì bạn mang kiếng cận thị và cũng để phân biệt với Lê Vĩnh Thịnh hay Thịnh "điên", Thịnh "điếc" ( ngày nay đã hết điếc nhờ sự tân tiến của ngành Y khoa Hoa kỳ); người bạn vẫn còn ở cầu Saigon trong ngày 30 tháng 4 năm 1975, chạy vào BV Nguyễn Văn Học, khu nội trú SV để thay bộ quân phục vì không nỡ vứt chiếc áo hoa với bằng nhảy dù với hai bông mai đen trên cổ áo và con rắn vàng trên bảng tên trên lề đường chạy loạn. Sau này Thịnh vẫn rất lưu luyến cái áo hoa dù nên may cho cậu con trai chừng 5 tuổi  chiếc áo hoa với đầy đủ bằng Dù (rất đáng tiếc, cậu quý tử đã giã từ chúng ta rất sớm ở tuổi mới vào đời).

 

Những Quân y sĩ trẻ nhất của SĐ Nhảy Dù tốt nghiệp năm 1974 không có người nào có hoàn cảnh giống như nhân vật Trần Quang của ông Nguyễn Đạt Thịnh đã tưởng tượng và viết ra khi hư cấu truyện ngắn Đôi Mắt Phượng.

 

Ngoài ra cũng để rộng đường dư luận, cho sự biện bạch về sự nhầm lẫn, tiện đây tôi cũng xin kể đến quý danh của bốn vị đàn anh Khoá 20 QYHD chọn về SĐ Dù: Pham Ngọc Ẩn, Nguyễn Kiêm, Nguyễn Tấn Trí, và Lê Văn Nhân với những thành tích của họ trong những ngày cuối cùng của chiến cuộc và những ngày sau đó, Sở dĩ tôi nêu tên các đàn anh khoá 20 ở đây vì ngày họ chính thức đi vào cuộc chiến là đầu năm 1974 mặc dù họ đã tốt n ghiệp Y khoa từ cuối năm 1973 vi`Nhân vật của ông Nguyễn Đạt Thịnh trong truyện Đôi Mắt Phương xưng là SVQY ra trường năm 1974.

 

 1- Pham Ngọc Ẩn khi còn ở Trường Quân Y là SV Tiểu Đoàn Trưởng (SV Trưởng Tràng) của Trường Quân y niên khoá 1972-1973, người được Trung tướng chủ toạ và Y sĩ Đại tá chỉ huy trưởng gắn cấp bậc Y sĩ Trung Uý trong buổi lễ mãn khoá. Thông thường trong các buổi lễ mãn khoá ở TQY, tân sĩ quan được hân hạnh nhận cấp bậc từ vị tướng chủ toạ không phải là SV Thủ Khoa mà là SV Trưởng khoá vì cho đến ngày làm lễ mãn khoá các tân sĩ quan còn phải qua một lóp hành chánh Quân Y và một khoá ngắn về cấp cứu hồi sinh nên TQY vẫn chưa đủ dữ kiện để xếp vị thứ. Anh Ẩn đã được di tản cùng với gần một Lữ đoàn Dù vào ngày cuối cùng của cuộc chiến ở bờ biển Vũng Tàu. Hiện khá thành công trong nghề nghiệp ở Mỹ.

 

2- Nguyễn Tấn Trí, người vẫn làm phòng mạch và vẽ tranh lụa để trợ giúp Thương phế binh và nạn nhân của vườn rau Lộc Hưng ở Saigon-

 

3- Nguyễn Kiêm tự là Kiêm "máu" (hay Kiêm Thiếu Máu) từ bài thơ Chiều Thiếu Máu

    http://www.svqy.org/chieuthieumau.html

Ngày cuối tháng 3/1975 Nguyễn Kiêm ra trình diện đơn vị sau mấy ngaỳ phép ngắn ngủi thăm gia đình, và rồi người Y sĩ trưởng Tiểu Đoàn 2 cùng với Lữ Đoàn bị kẹt lại ở Khánh Dương. Vỡ trận ở Khánh Dương đã mò về được Nha-trang, vào làm việc tại một Bệnh Viện ở Nha-trang cùng với anh Nguyễn Lạc Thái, Bác sĩ Tiểu Đoàn phó TĐ 22QY. Vì thiếu bác sĩ nên VC cho các Quân Y sĩ cúa VNCH tiếp tục công tác điều trị bệnh nhân, nhưng vài tháng sau phe chiến thắng đã bắt các sĩ quan của VNCH phải trình diện và vào trại tập trung, anh Thái phải mất vài năm trong trại, riêng Nguyễn Kiêm phải trốn gần 2 năm trên căn gác nhỏ của người quen, nằm tụng Harrisson's Pricipales of Internal Medicine và với trí nhớ rất tuyệt vời anh rất có căn bản về ngành nội khoa. Sau này vào Saigon lang thang ở chợ trời thuốc Tây để kiếm tiền nuôi vợ, nuôi con, Anh xin được làm ở khoa cấp cứu BV Saigon và Bác sĩ điều trị BV Việt Pháp (BV tư của người Pháp). Hiện anh đã về hưu và cuộc sống nghe đâu khá vất vả, tuy nhiên mỗi lần gặp bạn bè anh vẫn giữ tiếng cười rất lớn và rất đặc biệt với châm ngôn" sống như Lý Bạch" mà anh đã viết trong quyển kỷ yếu của Khoá 20 QYHD

 

4- Anh Lê Văn Nhân, biệt danh Nhân Oshawa, là một cựu học sinh Taberd, một Sinh viên Y khoa xuất sắc, tính tình điềm đạm, người tự khép mình vào khuôn khổ, sống như một thầy tu, rất tận tuỵ với bệnh nhân thực hành nghiêm chỉnh lối dinh dưỡng Oshawa, dáng người mảnh khảnh, đi đứng nhẹ nhàng như đang đi trong sương trong gió . Ngày tình nguyện về Tiểu Đoàn Quân Y, Sư Đoàn Dù anh đã gây nhiều ngỡ ngàng cho anh em đồng khoá và làm mất cơ hội "tung mây lướt gió” của Nguyễn Mạnh Tiến (Tiến dế), khiến Tiến dế đành phải làm người hùng ở Liên Đoàn Biệt Động Quân biên phòng.

 

Sau khi trả nợ vì những năm binh nghiệp trong trại tù VC, anh được làm việc ở phòng Y tế Quận 8, Saigon và đã quá vãng từ nhiều năm trước. Xin anh Nhân yên nghỉ trong cõi an bình.

 

Đến đây thiết tưởng đã đủ chứng minh rằng câu chuyện Đôi Mắt Phượng chỉ là một hư cấu và nhân vật Trần Quang trong câu chuyện không phải là nhân vật có thật trong hàng ngũ Quân Y sĩ của Tiểu Đoàn Quân Y Sư đoàn Dù, nhưng vẫn còn thừa chút giấy nên người viết xin kể nốt quý danh của

 

                              Các Quân Y sĩ Trưng Tập Khoá 16

 

 Họ tốt nghiệp năm 1973 từ Y Khoa Đại Học Saigon và Huế và vào Quân đội VNCH năm 1974 về phục vụ ở Sư Đoàn Dù vào năm 1974. Vì người nào đó khi post câu chuyện Đôi Mắt Phượng đã không ngần ngại viết lên rằng: Đây là câu chuyện có thật. Các Quân Y sĩ trưng tập mà tôi sắp kể tên có thể không liên quan đến câu chuyện nhưng vì họ thật sự phục vụ trong Sư Đoan Nhảy Dù tù năm 1974 nên xin được mạo muội kể ra:

 

1- Nguyễn Văn Thắng (ThắngNghé) - Hiện định cư ở Hoa kỳ

 

2- Nguyễn Thanh Liêm (Liêm show), người mà câu chuyện vượt thoát từ Khánh Dương còn hấp dẫn hơn chuyện vuợt ngục của Papillon; khi về Saigon chưa kịp tắm rửa cạo râu đã thấy xe jeep của Nhảy Dù do Trung Tá Tiểu Đoàn Trưởng Bùi Quyến đích thân đến nhà nhà rước vào trại để mổ một con bò khao quân. Anh Liêm đã vừa từ giã cuộc chơi trần thế

 

3-Bùi Cao Đẳng cũng đã yên nghỉ ngàn thu.

 

4- Vĩnh Chánh đang định cư ở Hoa Kỳ, thỉnh thoảng vẫn đóng góp các bài hồi ký: Tôi Học Nhảy Dủ, Bên sau Mặt Trăng, và nhiều bài có giá trị văn chương khác.

 

5--Nguyễn Đức Vượng, hiện định cư ở Hoa kỳ

 

6-Lê Quang Tiến, Hiện định cư tại Montréal, Canada, từng 2 lần làm Chủ tịch Hội Y sĩ Việt nam ở Canada và 3 lần giữ chức Chủ tịch Gia-đình Mũ Đỏ Vietnam

 

7- Nguyễn Tấn Cương, hiện định cư tại Hoa kỳ

 

Tôi nghĩ rằng đã điểm danh đầy dủ những khuôn mặt trẻ nhất của các Quân Y sĩ Hiện Dịch và Trưng Tập đã tình nguyện về phục vụ Tiểu Đoàn Quân Y, Sư Đoàn Dù từ cuối năm 1973, qua nắm 1974 và đến giờ cuối cùng của cuộc chiến điêu tàn.

 

Tập thể nào hoàn mỹ đến đâu vẫn có vài con chiên ghẻ, qua cuộc bể dâu có người vì háo thắng đã có lần quên liêm sỉ, tận tuỵ với chế độ cai trị được phong hàm Giáo Sư, nhưng nhìn chung xưa nay, lúc nào tôi cũng ngưỡng mộ các Quân y thuộc Sư Đoàn Dù vì họ đã làm những việc mà tôi chưa làm được. Ít nhất họ đã hơn tôi cái bằng Nhảy Dù với cảm  xúc mạnh: họ đã có vài giây rơi tự do khi vừa rời của phi cơ, mấy phút lơ lửng trên không gian còn vương dấu giày, và bị dù lôi kéo khi đôi chân vừa chạm mặt đất. Những Quân Y sĩ trẻ, những Sĩ quan ưu tú của QLVNCH không thể hèn hạ bám váy vợ như sự tưởng tượng của ông Nguyễn Đạt Thịnh.

 

                          Phan Ngọc Hà, 21 QYHD

 

No comments: