Wednesday, April 6, 2022

TIẾNG HÁT QUÊ HƯƠNG (ĐỖ BÌNH)

 

TIẾNG HÁT QUÊ HƯƠNG

Đỗ Bình 

Ở Pháp những ngày cuối năm đường phố khắp nơi rực sáng những ánh đèn màu lóng lánh, muôn sắc như ngàn hoa để đón những ngày lễ lớn của tôn giáo đó là Ngày Giáng Sinh và Ngày Tết Dương Lịch. Ngày Giáng Sinh ngoài tính thiêng liêng của tôn giáo người Pháp còn xem ngày lễ này như ngày sum họp gia đình, những thành viên trong gia đình dù ở phương xa trong ngày này đều trở về với mái gia đình chung vui, tặng quà lẫn nhau. Trong mùa vui, tôi chạnh nhớ đến những mùa Noel Sài Gòn năm xưa ở quê nhà mà lòng bỗng xao xuyến! Đang suy tư hoài niệm bỗng tiếng diện thoại reo lên, bên kia đầu máy là tiếng nói đứt đoạn của nhà văn Nguyễn Thùy báo tin nhạc sĩ Việt Dzũng, một trong các thành viên sáng lập Phong Trào Hưng Ca Việt Nam từ 1985, và hiện là Phong Trào Trưởng, đã qua đời lúc 11 giờ 15 phút sáng 20 tháng 12 năm 2013 tại bệnh viện Fountain Valley-California, hưởng thọ 55 tuổi. Nghe hung tin người nhệ sĩ đa tài Việt Dzũng qua đời tôi bàng hoàng, vì mới đây nhà báo Kim Long vừa gởi cho tôi xem đoạn youtube NIỀM VUI GIÁNG SINH (2012) do Trung Tâm ASIA thực hiện. Trong màn ảnh nhỏ, tiếng cười nói của Việt Dzũng còn âm vang thế mà người nhạc sĩ mang cho đời những niềm vui đã vội ra đi!


Giáo sư Nguyễn Thùy bên kia đầu giây nói đề nghị viết mấy lời phân ưu nhạc sĩ Việt Dzũng để đăng trên các Diễn Đàn, rồi anh đọc:«Việt Dũng đã ra đi! Buồn!!! Nơi bên kia, xin anh hướng về chúng tôi, phù trợ ,hững người trên đường đấu tranh cho quê hương, đất nước thêm hùng, thêm mạnh. Nơi xa, xin tiễn đưa anh với tất cả nhớ thương và nhớ ơn. 

Ðỗ Bình, Sơn Khôi, Nguyễn Thùy, cùng anh chị em nghệ sĩ Câu Lạc Bộ Văn Hóa VN Paris». Tôi đồng ý ngay, và nói với anh tôi sẽ viết ít dòng cảm nhận : Nói đến Việt Dzũng người nhạc sĩ có những nhạc phẩm rất hay về quê hương, như:"Lời Kinh Đêm"...“Thuyền trôi xa ..về đâu ai biết?Thuyền có về …ghé bến tự do? Trời cao xanh … hay trời oan nghiệt, Trời có buồn … hay trời vẫn làm ngơ? Người buông xuôi về nơi đáy nước Người có mộng một nấm mồ xanh? Biển ngây ngô hay biển man rợ Biển có buồn hay biển chỉ làm ngơ …?”
Lời thơ ray rứt thương xót cho thân phận con người, ý thơ  đượm chút triết lý nhân sinh như than trách tạo hóa đã hững hờ trước những nỗi đau của những cảnh đời. Những hình ảnh trong ca từ là những tiếng lòng dựa trên tâm cảnh của người vượt biển, được dàn trải trên cung bực thành giai điệu buồn mênh mông làm xao xuyến những tâm hồn cùng cảnh ngộ. Bài thơ được người nhạc sĩ tài hoa phổ đã chắp cánh bay xa, và được công chúng hải ngoại đón nhận như một lời tâm sự của mình. Ca khúc đã diễn tả cảnh trời biển giao nhau lúc hoàng hôn, mặt trời sắp chìm vào dại dương màu biển loang loáng bạc. Bóng đêm lan tỏa cùng với sự lặng thinh của biển cả, làm tăng nỗi tuyệt vọng của những con người khốn khổ ôm ấp niềm hy vọng mơ ngày đến bến bờ tự do. Biển cả, muôn đời vẫn mênh mông và thầm lặng, nhưng luôn ẩn chứa một sự hãi hùng như đang rình rập những con thuyền mong manh xấu số chở đầy những con người bất hạnh đã bất chấp mọi hiểm nguy để tìm đường trốn hiểm họa CS đang xảy ra trên quê hương! Giữa trời nước bao la hân phận của con người càng bé nhỏ, những mảnh đời bồng bềnh như bọt sóng, cũng bấp bênh, chìm nổi theo con thuyền trước sóng cuồng, gió bão!


Thuở ấy những tâm khúc viết về người tị nạn vượt biên rất nhiều, nhưng lại ít có phương tiện để phổ biến đến công chúng! Những Ca khúc đã đi vào lòng người ngoài cái dịp may được phổ biến, nó còn đòi hỏi ca khúc đó phải có tính nghệ thuật thì mới thực sự ở lâu trong tâm hồn người thưởng ngoạn. Những nhạc sĩ như Việt Dzũng, Nguyệt Ánh, Nguyễn Hữu Nghĩa, Hà Thúc Sinh,Trần Chí Phúc, Nam Lộc, Trầm Tử Thiêng, Phạm Duy...vv….đã gom tim óc diễn tả cảnh vượt biên, tạo thành những nhạc phẩm nghệ thuật để cống hiến cho đời. Nhưng có lẽ ca Khúc: Chút Quà Cho Quê Hươngđã đưa tên tuổi người nhạc sĩ trẻ Việt Dzũng mới bước vào con đường sáng tác đã mau chóng vang đi khắp nơi. Ca từ và giai điệu làm thổn thức hàng triệu con timở hải ngoài, và làm bùi ngùi những tâm hồn những người còn ở lại nơi quê nhà.“Một Chút Quà Cho Quê Hương” là một ca khúc hay, xuất sắc của Việt Dzũng, nhạc phẩm đẹp cả lời lẫn giai điệu được mọi người yêu thích cho đến tận hôm nay. Nhạc phẩm ra đời vào đúng thời điểm mà người Việt trong nước ồ ạt bỏ bước ra đi tìm tự do trốn chế độ CS, còn người Việt tị nạn hải ngoại bắt đầu gửi quà về cho thân nhân đang nghèo đói ở quê nhà. Ca từ như một bài thơ thống thiết, diễn tả cái thực trạng của tâm hồn những người tị nạn đành phải xa quê hương, chia lìa người thân. Ca từ là những giọt nước mắt dấu trong tim được ngân lên trong giai điệu buồn chan chứa tình thương, như chia sẻ nỗi niềm u uất của những ngưòi tị nạn xa xứ. Những lời ca sau đây: “Em gởi về cho anh dăm bao thuốc lá Anh đốt cuộc đời cháy mòn trên ngón tay … Gởi về cho mẹ dăm chiếc kim may Mẹ may hộ con quê hương quá đoạ đày … Gởi về cho chị hộp diêm nhóm lửa Chị đốt cuộc đời trong hoang lạnh mù sương Gởi về cho mẹ dăm gói trà xanh Mẹ pha hộ con nước mắt đã khô cằn …. Con gởi về cho cha một manh áo trắng Cha mặc một lần khi ra pháp trường phơi thây Gởi về Việt Nam nước mắt đong đầy Mơ ước một ngày quê hương sẽ thanh bình …” Đây là những câu thơ mang ngôn ngữ hình tượng. Hình ảnh người mẹ ngồi vá quê hương là hình ảnh đẹp trong nghệ thuật trừu tượng của tạo hình, nó diễn tả niềm đau tột độ của người mẹ Việt Nam nhìn thấy bày con xâu xé, tranh giành , đày đọa và giết nhau! «Em gỏi về cho anh dăm bao thuốclá, Anh đốt cuộc đời cháy mòn trên ngón» những tù nhân CS trong các trại tù. Những aiđã từng bị tù CS chắc hẳn không quên những ngày đói cơm, mảnh áo cũng không che đủ thân, huống chi là mẩu thuốc lá, cục đường được xếp loại xa xỉ phẩm! Tthuốc lá trở thành báu vật đối với những ai đã từng quen dùng nó để suy tư, để gậm nhấm nỗi cô đơn. Ở đây tác giả không diễn tả sự thèm hơi thuốc mà dùng khói thuốc như một ẩn dụ để diễn tả sự mòn mỏi của người tù, có người bỏ xác trong các trại tù, sự đợi chờ ngày được tự do tan như khói thuốc đốt dần cuộc
đời!


Vào tháng hai năm 1994 ở thế kỷ trước, Việt Dzũng cùng một phái đoàn Người Việt tị nạn ở Mỹ do KS Bùi Bình Bân hướng dẫn, sang Genève, Cao Ủy Nhân Quy ền Liên Hiệp Quốc, Thụy Sĩ, chúng tôi ở Pháp gồm : cố Hòa Thượng Thích Minh Tâm, GS Lại Thế Hùng, TS Trần Bình Tịnh…và một số Nhân sĩ người Việt tị nạn ở Thụy Sĩ.. Mục đích của buổi hôm đó là tiếp kiến vị đại diện Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc để tranh đấu cho Các Thuyền Nhân bị chối từ quy chế Tị Nạn, cưỡng bách hồi hương vì các trại tiếp nhận đã được lệnh đóng cửa không tiếp người tị nạn. Hôm đó trời rất lạnh, mưa tuyết phủ trắng trước sân phủ Cao Ủy, tôi thấy nhạc sĩ Việt Dzũng chống hai nạng gỗ, mặc chiếc áo khoác không dày lắm, tôi sợ anh bị lạnh vì không quen thời tiết mùa đông Âu Châu, nhất là ở Thụy Sĩ. Tôi tiến đến và trao cho Việt Dzũng chiếc khăn quàng cổ của tôi, anh rất xúc động, cảm ơn tôi và nói:«Em không lạnh, vì trước khi về định cư ở Cali em cũng đã đi nhiều nơi trên xứ Mỹ nên đã quen với cái lạnh». Lòng tôi mến và  ngưỡng mộ Việt Dzũng từ dạo ấy, một con người dấn thân không những cho quê hương mà cho ngay chính những đồng bào của mình còn kẹt lại trong các trại tị nạn ở Á Châu. Những năm sau đó, nhiều lần Nhóm Hưng Ca qua Âu Chân và có ghé Paris cùng Cộng Đồng Người Việt Paris tranh đấu cho Nhân Quyền VN, với những khuôn mặt trong nhóm Hưng Ca: Huỳnh Công Ánh, Nguyễn Hữu Nghĩa, Nguyệt Ánh, Việt Dzũng và Tuấn Minh, Đào Trường Phúc, Huỳnh Lương Thiện, Trương Sĩ Lương, Xuân Nghĩa, Tuyết Mai, Lưu Xuân Bảo..v.v.. Ở Paris với sự tham dự của Tổng Hội Sinh Viên VN Paris, nhóm Câu Lạc Bộ Văn Hóa VN Paris…. Góp mặt đêm không ngủ đó có danh ca Thanh Hùng, nghệ sĩ Thúy Hằng, Nhạc sĩ lão thànhTrịnh Hưng và tôi, chúng tôi cùng Nguyệt Ánh, Việt Dzũng và các bạn đồng hát những bài ca tranh đấu cho Nhân Quyền VN trên quảng trường Nhân Quyền Trocadéro.


Việt Dzũng là người dấn thân nên đã hoạt động liên tục không ngừng nghỉ trong nhiều lãnh vực. Nhà văn Nguyễn Thùy viết mấy lời cảm ơn anh, vì Nguyễn Thùy cũng là một thuyền nhân đến muộn. Trong nhiều năm Việt Dzũng cùng các bạn đã làm những buổi văn nghệ gây quỹ cho các con tàu với người vượt biển như Cape D’Anamur, chương trình SOS Boat People. Tôi qúy mến Việt Dzũng vì anh là những Hậu Duệ của gia đình Lính, tiếp nối truyền thống của ông, cha, biết ơn và vinh danh những nười đã hy sinh vì nước, nên đã ca ngợi Người Lính VNCH qua nhiều chương trình văn nghệ nói về Lính và tổ chức những buổi văn nghệ giúp anh em TPBVNCH.


Sau năm 1975 anh em TPBVNCH như bày chim trúng đạn tan tác khắp nơi, họ tàn phế, bệnh tật, nghèo đói, ẩn mình sống trong những xóm nghèo tăm tối, hẻo lánh. Những dấu đạn, vết tích chiến tranh còn hằn trên thân thể của người cựu chiến binh không che dấu được, những thương tích mà có thời được vinh danh là chiến tích Anh Hùng thì nay với chế độ mới đó là những tàn tích «nợ máu,phản động!», họ sống cách nào với tấm thân tàn phế ? Đó là những con người có số phận hẩm hiu, bị quên lãng. Họ sống trong âm thầm trong khốn khó, và trong số ấy có rất nhiều người già yếu đã ra đi! Cứu giúp TPBVNCH là một cách nhớ ơn, một nghĩa cử đẹp về tinh thần, làm xoa dịu nỗi đau mất mát một phần thân thể của những người đã vì sự tự do quê hương. Với những điều cao đẹp mà Việt Dzũng và các bạn đã phụng sự cho quê hương, và cho tha nhân nên tôi ngưỡng mộ. Từ ngày bỏ nước ra đi đến ngày ra đi đã 38 năm, thời gian khá dài so với một đời người thế mà Việt Dzũng chưa một lần trở lại quê hương, anh giữ trọn những điều anh đã viết, đã nói, dù thời gian qua đã có quá nhiều thay đổi mà lòng anh vẫn son sắt trọn một đời cho lý tưởng TỰ DO. Giờ đây anh chọn một thế giới xa, một cõi vĩnh hằng để an nghỉ, vứt bỏ nhưng ưu tư trăn trởmuộn phiền chốn thế gian. Dù anh ra đi nhưng những nhạc phẩm của nhạc sĩ Việt Dzũng viết về quê hương vẫn còn ở lại trong lòng người ly hương.
 

Nguyện cầu cho linh hồn anh Việt Dzũng đời đời an nghỉ ở Nuớc Trời cùng Thiên Chúa.  

Đỗ Bình
Paris 23.12. 2013 

 

No comments: