Sunday, April 2, 2023

HƯƠNG ĐỒNG GIÓ NỘI (THÂN TRỌNG SƠN)

 

HƯƠNG ĐỒNG GIÓ NỘI

 

      Đã qua thập niên thứ nhất của thế kỷ XXI, nền văn minh cơ khí vẫn liên tục phát triển với nhà cao tầng, đường cao tốc, phương tiện làm việc và sinh hoạt đều sử dụng máy móc, ảnh hưởng đến cuộc sống thường ngày của mọi người, tạo nên một nếp sống, nếp nghĩ phù hợp. Giữa bộn bề khói bụi, có ai lắng hồn nhớ lại một thuở thanh bình ngày xưa, nghĩ về cảnh “ hôm qua tát nước đầu đình…” , “ trên đồng cạn dưới đồng sâu, chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa…” , “ trời mưa trời gió, đem đó ra đơm, chạy về ăn cơm, chạy ra mất đó …” ? Có ai nghe những điệu hò cấy lúa, hò đạp nước, hò giã gạo … trên làn sóng điện hay tại những buổi trình diễn công cộng mà nhớ lại hay tưởng tượng được khung cảnh và hoàn cảnh thực sự của những câu hò điệu hát này ? Tìm đâu những hình ảnh sinh hoạt đó, và những công cụ gắn liền với đời sống một xã hội nông nghiệp ? Hãy thử đến với Nhà Trưng Bày Nông Cụ của Xã Thủy Thanh, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên-Huế, tại khu vực Cầu Ngói Thanh Toàn.

 

       Chiếm một diện tích khiêm tốn ở phía trái nhìn từ cửa vào, góc ngư cụ trưng bày những đồ dùng đánh bắt tôm cá ở sông, hồ, ao, hói…, mọi người có thể nhìn thấy chiếc ghe đánh cá, và hàng chục thứ khác như lưới, sáo, nơm, chẹp sưa, chẹp dày, đơm tôm, đơm cá, nò, sẩy, chuôm, lờ, đó…, mỗi thứ có công dụng riêng, dùng trong những tình huống khác nhau, không phải là nông dân khó mà phân biệt được.















         Về nông cụ thì phong phú hơn, dạo quanh đây một vòng là có thể hình dung ra quy trình lao động của người nông dân để làm ra hạt gạo. Trước tiên là cày, bừa, trục, khi bắt đầu làm đất. Lại có cả hình ảnh con trâu với người nông dân tay cầm roi, người khoác chiếc áo tơi (áo khoác đan bằng cói hay lá kè, có thể vừa che mưa vừa chống lạnh ).






        Sau khi cấy lúa còn phải đưa nước vào ruộng, với xe đạp nước, các loại gàu dai, gàu sòng, gàu vảy, lúc lúa chín thì có liềm, hái ..để thu hoạch. Hạt lúa đem về được đựng trong thúng, mủng, khối lượng lớn thì phải có ví , bồ mới chứa đủ. Hạt lúa phải được tách cái vỏ cứng bên ngoài ( vỏ trấu ) ruột của nó mới là hạt gạo, công việc này cần đến cái cối xay lúa. Trước khi xay, lúa phải được phơi khô và quạt sạch và phải xay làm sao để cho sạch lúa và gạo không bị nát. Tài tình cách nào thì gạo xay ra vẫn còn lẫn lộn vỏ trấu và lúa còn sót lại, bấy giờ là việc của xe quạt lúa và của các thứ lỉnh kỉnh khác là nia, sàng, giần. Cái nia bằng tre, hình tròn, mặt phẳng, đường kính khoảng 1m. Bỏ từng nhúm gạo mới xay vào nia, hất tung mớ gạo lên rồi hứng lại. Động tác này gọi là sảy, gạo được hứng lại trên nia, còn vỏ trấu nhẹ bay ra và rơi xuống đất. Loại được vỏ trấu, nhưng lúa vẫn còn lẫn trong gạo, tiếp theo là công đoạn sàng gạo. Cái sàng tương tự như cái nia nhưng nhỏ hơn và có lỗ thưa để lọt hạt gạo. Xoay tròn cái sàng thật nhịp nhàng, kết hợp với sảy và lắc thì lúa sẽ túm lại ở giữa còn gạo lọt xuống nia. ( Thành ngữ " lọt sàng xuống nia " , thường dùng theo nghĩa bóng, xuất phát từ đây). Đã có gạo rồi nhưng vẫn chưa xong, muốn gạo sạch, trắng, còn phải giã, đó là nhiệm vụ của cái cối và cái chày. Gạo đã giã xong vẫn còn lẫn với cám, ít vỏ trấu còn sót và ít gạo vỡ hay là tấm. Vậy thì hãy kiên nhẫn làm thêm một động tác nữa để loại trừ các thứ này. Đó là công đoạn sử dụng cái giần, dụng cụ giống như cái sàng nói ở trên với các lỗ nhỏ hơn, tấm cám mới lọt xuống được còn hạt gạo thì giữ lại.




      Ngoài những nông cụ trên ở đây còn có nồi các cỡ ( nồi bảy, nồi năm, nồi ba ), chén, tô, bát, mâm, thau, lu, vại, om ….

Như vậy, từ khi cày bừa đất để gieo hạt lúa, rồi gặt, xay, giã, bao nhiêu công đoạn là bấy nhiêu công cụ, hầu như tất cả đều được sưu tầm và trưng bày ở đây, giới thiệu với khách đến xem những hình ảnh tưởng chỉ còn trong ký ức.

 

    Tất cả những nông cụ, ngư cụ trưng bày ở đây trông thật lạ lẫm với nhiều người. Họ nhìn thấy từng vật dụng, đọc bảng chỉ dẫn để biết tên nhưng làm sao hiểu được công dụng của từng thứ, nói chi đến cách thao tác. May thay, có một người túc trực sẵn nơi đây và sẵn sàng giới thiệu cho khách từng nông cụ, tên gọi, cách sử dụng, nếu cần thì biểu diễn làm mẫu. Đó là Mệ Ngảnh, năm nay đã 76 tuổi, tình nguyện làm việc này không lương, đổi lại Mệ được dành cho một góc nhỏ để cái tủ bày bán hàng lưu niệm, là những vật phẩm bằng tre, mẫu vật thu nhỏ các nông cụ trong phòng. Đây là những sản phẩm do chính chồng Mệ làm ra bằng đôi tay khéo léo của mình, rất được du khách ưa thích, làm không kịp bán.




     Đi một vòng quanh phòng, Mệ Ngảnh dừng lại trước các dụng cụ tát nước, gàu dai gàu sòng các cỡ, và cái xe đạp nuớc. Mệ trèo lên xe vừa làm động tác mô tả việc đạp nuớc vừa nói. Trai gái ra đồng làm việc, nắng nôi cực nhọc cũng biết hò đối đáp nhau cho đỡ mệt, rứa rồi cũng nên tình nên nghĩa cả đó. Rồi Mệ cất tiếng hò :

 

- Hỡi anh đạp nước một mình

Cho em đạp với chung tình với anh.

Anh còn đạp nước nữa thôi

Cho em đạp với kết đôi nghĩa tình.

 

- Ơi em ơi, anh ngồi đạp nước ngó qua

Thấy em tát nước một mình anh cũng xót xa trong lòng.

 

- Ơi anh ơi hai đứa mình vô can vô cớ

Khi không mà gặp nhau trữa ( giữa)đồng.

Vương lấy chữ tình đêm nhớ ngày thương.

 

- Ơi em ơi hai đứa mình không phải bà con thân thích

Không phải máu huyết mẹ sinh

Khi không mà gặp nhau trữa đồng

Mà thương đoạn nhớ đành

Đó là ông trời côi ( trên) đã định

Nên hai đứa mình mới thương nhau.

 

       Ở góc bên phải của Nhà Trưng Bày chẳng có nông ngư cụ nào hết mà là các vật dụng sinh hoạt, một cái quạt mo đặt trên một cái chõng ( giường nhỏ), hai chiếc gối, bên cạnh có treo một cái nôi, tất cả đều bằng tre. Tưởng chừng như không có gì để nói ở đây, nhưng thật bất ngờ, Mệ vẫn dừng lại và kể : Mới đầu vợ chồng thương yêu nhau lắm. Thằng chồng nói, kê đầu trên gối tre không êm, em kê trên tay anh nì. Rứa mà tới khi con đầu lòng mới mấy tháng hắn đã nghe ai đó dỗ ngon dỗ ngọt mà bỏ lơ con vợ. Làm thân đàn bà khổ lắm, con vợ biết làm chi mô, cứ than thân trách phận như ri nì :

 

Ơi anh ơi, hai đứa mình đoạn tình bối rối

Anh không nhớ khi dang tay thế gối cho em kê.

Rượu nồng ai phục anh đã say mê

Anh quên tình chồng nghĩa vợ để mấy lời thề cho em mang.

 

Ơi anh ơi con chim xa rừng còn thương cây nhớ cội

Anh xa em rồi tội lắm anh ơi..

Chả thà anh không thương em thì thôi

Đã thương em rồi có một đứa con trẻ anh lại bỏ em khúc nôi nửa chừng.

Ơi anh ơi em xa anh chưa đầy tháng

Mà nước mắt lai láng hết hai mươi tám đêm ngày.

Răng chừ nước ráo lòng may

Nước sông Hương hết chảy duyên nợ này em mới hết thương anh !

 

Cũng may là thằng chồng còn biết nghĩ, nghe con vợ nói rứa hắn cũng động lòng mà quay trở lại :

 

Thôi thì thôi em ơi

Răng chừ đá dựng bể tư,

Núi kia thành bình địa

Khi nớ anh mới dứt từ nghĩa em !

 

      Hỏi Mệ Ngảnh mệ sáng tác những bài này thế nào, mệ nói thiệt tình mệ có biết chi mô, mệ chỉ học bình dân học vụ, cả đời làm nông làm ruộng, nhưng bày đặt hát hò đối đáp như ri thì quen lắm rồi. Tất cả là hò giã gạo cả đó, bắt đầu một người xướng “ khoan ơi khoan mời bạn hò là hò ờ ơ ớ khoan … “, hò một câu thì mấy người khác đệm vô “ hờ ơ hớ ơ …” ( gọi là “xô” ) rồi cứ thế cho đến hết bài. Cái nhà trưng bày ni, kêu là nhà truyền thống cũng được, xã làm năm 2006, đến năm 2008 thì tu bổ thêm thắt vô nhân kỳ lễ hội chi đó trên Huế. Khách về chơi đông lắm, Tây Ta đều có, thấy vui mệ mới đặt bài hò như ri :

 

Cầu Ngói Thanh Toàn có hàng cây xanh

Cây cao gió mát nở nhiều cành

Lại thêm điện đài xung quanh

Hỡi bà con ơi nhìn xem nhà truyền thống xã Tân Thanh

Hai nghìn lẻ tám rạng danh tuyệt vời.

 

        Rứa mà họ vỗ tay ầm ầm. Họ thích thì mệ cũng vui.

Rời Nhà Trưng Bày qua cầu bước ra sân trước, khách đến chỗ khu chợ buổi chiều vắng khách, hàng quán đã dẹp gần hết. Gần bờ sông có quán giải khát khuất sau mấy hàng chậu cây cảnh, chỗ ngồi hướng ra sông Như Ý, chiều gió lộng mát rượi. O chủ quán từ trong bước ra vồn vã. Phải là khách phương xa đến thì tui tặng cho mấy câu hò :

 

Quê tôi có chiếc cầu xinh

Chiếc cầu rất đẹp uốn mình bắc ngang.

Tên gọi Cầu Ngói Thanh Toàn

Về cầu gió mát ngắm bảo tàng cây xanh.

Em về Cầu Ngói quê anh

Nếu em không biết để anh đưa về.

 

        Lạ chưa, sao cái xã ở vùng quê lại có nhiều “nghệ sĩ nhân dân” thế này ? Chuyện vãn làm quen, lại càng ngạc nhiên khi nghe O Kình ( tên O chủ quán ) nói: Tui còn đặt bài hò kể hết chuyện Lưu Bình Dương Lễ nữa đó. Chừ không hò nhưng tui đọc cho mà nghe.

 

Dương Lễ :

Châu Long em ơi tới đây anh hỏi

Có bạn hiền tên gọi Lưu Bình

Công danh vì ngộ chịu cảnh lênh đênh

Nay chừ em cầm đàn ra đi nuôi bạn

Thay thế mặt mình có đặng không ?

 

Châu Long :

Vâng lệnh phu lang trướng hạ

Thiếp thay chồng nuôi bạn thiếp sợ bỏ quá phòng không

Nuôi Lưu Bình hết khúc giang đông

Em sợ lửa gần rơm lâu ngày cũng cháy lỗi đạo với chồng chàng ơi.

 

Dương Lễ :

 Hỡi em ơi

Ơn hiền thê ngàn năm ghi tạc

Nghĩa hữu bằng bát ngát năm canh.

Thiếp cứ nuôi Lưu Bình kiếm đặng công danh

Dẫu lửa gần rơm lâu ngày có cháy cũng đành nàng ơi.

 

Châu Long :

Nghe lời chàng phân qua mấy lời thật là đáo để

Dặm quan hà đâu kể bao nài

Sợ lòng quân tử tài cao

Em dời chưn qua khỏi cửa má hồng đào lạt phai.

 

Dương Lễ :

Em đừng đem lòng nghi ngại

Chữ chung tình kết ngãi phu thê

Em cứ nuôi Lưu Bình cho bảng yết danh đề

Ai có tấm lòng điêu chạ có nhật nguyệt đôi vành chứng minh.

 

Châu Long :

Nghe lời chàng thề cùng nhật nguyệt

Chữ chung tình da diết keo sơn

Chàng đừng nghe tiếng quyển giọng đờn

Cứ y lời ấy thiếp nguyện xách nón mang vàng ra đi.

 

Dương Lễ :

Nhớ tới Châu Long lệ tuôn đôi mắt

Nhớ tới bạn Lưu Bình ruột thắt tày da

Thiếp mà giữ trọn đào ba

Chàng nay đâu dám đắm nguyệt say hoa lỗi nguyền…

 

       Đọc đến ngang đây nhìn ra trước sân thấy mấy cô gái Tây đạp xe đi tới, O Kình vội vàng : Thôi để bữa khác, rồi chạy ra chào mời khách.

 

       Thật đáng trân trọng sáng kiến của ai đó đã sưu tầm những nông cụ phản ảnh nền văn minh nông nghiệp một thời. Mong sao việc làm này được tiếp tục, biến Nhà Trưng Bày thành một nhà bảo tàng, phong phú hơn, đầy đủ hơn, kèm theo vật trưng bày là những bảng chỉ dẫn chi tiết, giải thích hướng dẫn công dụng. Và ngoài nghề nông còn những ngành nghề cổ truyền khác nữa, cũng nên lưu giữ lại. Nếu không thì tất cả sẽ chìm vào quên lãng, một mất mát to lớn cho thế hệ trẻ muốn tìm về cội nguồn.

      Và cũng thật đáng quý những người như Mệ Ngảnh, O Kình, rất thoải mái tự nhiên gìn giữ phát huy những câu hò điệu hát đặc trưng của quê hương.

Việc làm đầy ý nghĩa này, những con người bình dị này đã góp phần làm cho hương đồng gió nội không bị bay đi ít nhiều !

 

 

Bài và Ảnh

THÂN TRỌNG SƠN

No comments: