Monday, July 6, 2020

HỒNG KÔNG: HẠ VIỆN MỸ THÔNG QUA LUẬT TRỪNG PHẠT TRUNG QUỐC (THỤY MY)

Hồng Kông: Hạ Viện Mỹ thông qua luật trừng phạt Trung Quốc

Những người bị cảnh sát bắt giữ trong cuộc biểu tình chống luật an ninh quốc gia ngày 01/07/2020. REUTERS - TYRONE SIU

 Thụy My

Hôm 01/07/2020, Hạ Viện Hoa Kỳ nhất trí thông qua một dự luật trừng phạt các quan chức Trung Quốc đã vi phạm quyền tự trị của Hồng Kông. Văn bản này có hơi khác dự luật đã được Thượng Viện thông qua ngày 25/06, sẽ được đưa trở lại Thượng Viện và sau đó tổng thống Donald Trump chuẩn y.

 

QUẢNG CÁO

Dự luật được cả phe Cộng Hòa lẫn Dân Chủ ủng hộ, nhằm tăng cường áp lực lên Bắc Kinh, ngoài những biện pháp đã được chính quyền Mỹ loan báo từ khi Trung Quốc loan báo luật an ninh quốc gia về Hồng Kông. Một thượng nghị sĩ Dân Chủ cho biết văn bản của Hạ Viện chỉ có một ít thay đổi về kỹ thuật, chắc chắn hôm nay được Thượng Viện thông qua.

Theo dự luật, Washington có thể trừng phạt « các lãnh đạo đảng Cộng Sản chịu trách nhiệm về luật an ninh Hồng Kông », các đơn vị cảnh sát đàn áp người biểu tình, và kể cả các ngân hàng có những « giao dịch đáng kể » với các đối tượng bị trừng phạt. Ngoại trưởng Mike Pompeo hôm qua còn đe dọa không loại trừ việc sẽ mạnh tay hơn nữa, sau khi đã rút lại quy chế ưu đãi dành cho Hồng Kông.  

Trước đó IPAC (Liên minh nghị sĩ nhiều nước về vấn đề Trung Quốc) đã ra thông cáo đề nghị các chính phủ nỗ lực giảm lệ thuộc vào Trung Quốc, có chương trình cứu trợ các nhà đấu tranh Hồng Kông bị đe dọa, Liên Hiệp Quốc cử đặc phái viên đến Hồng Kông để giám sát.

 

Úc, Đài Loan muốn giúp người Hồng Kông tị nạn

Thủ tướng Úc Scott Morrison hôm 02/07/2020 tuyên bố tình hình Hồng Kông « rất đáng quan ngại », và loan báo chính phủ Úc sẽ có những động thái tích cực liên quan đến việc tiếp nhận người dân từ cựu thuộc địa Anh. Trả lời câu hỏi của một nhà báo, liệu có khả năng Úc đưa ra một quy chế tị nạn cho người Hồng Kông hay không, ông Morrison trả lời « Có », chính phủ sẽ nhanh chóng nghiên cứu.

Quan hệ giữa Úc và Trung Quốc đang căng thẳng. Canberra khiến Bắc Kinh giận dữ vì kêu gọi mở điều tra quốc tế độc lập về nguồn gốc virus corona, tố cáo chính sách ngoại giao hung hăng và thiếu trung thực của Trung Quốc. Trung Quốc trả đũa bằng cách trừng phạt hàng nhập khẩu từ Úc, hạn chế du lịch và du học tại Úc. Giữa tháng Sáu, nước Úc bị tấn công tin học quy mô, mà theo báo chí là từ Trung Quốc.

 


No comments: