Thursday, July 2, 2020

TÌNH YÊU VÀ HÔN NHÂN QUA CÁC THỜI ĐẠI (TÂM BÌNH)



TÌNH YÊU VÀ HÔN NHÂN QUA CÁC THỜI ĐẠI

 

Nói đến tình yêu là một đề tài vô tận, từ cổ chí kim, từ đông sang tây,không bao giờ nhàm chán. Hồi xửa hồi xưa nghe ông bà kể lại, vợ chồng lấy nhau toàn do mai mối, hoặc hai gia đình thân nhau hứa hôn từ còn trong bụng mẹ. Cha mẹ sắp đặt đâu con ngồi đấy.  Phần nhiều chưa biết mặt nhau cho đến ngày cưới.

 

Sau khi đính hôn chú rể tương lai phải đến nhà gái làm rể ba năm, nghĩa là đến nhà vợ tương lai làm bất cứ chuyện gì mà đàn ông làm được, như lợp nhà chặt tre cày ruộng v..v..  Đến bữa ăn thì ngồi nhà trên với cha vợ tương lai. Cô con gái thì ăn ở nhà sau không dám nhìn mặt nhau.

 

Trước khi cưới phải qua nhiều thủ tục như lễ dạm, lễ hỏi.  Trong lễ hỏi, nhà trai phải sắm đủ bao nhiêu phần lễ vật cho bên nhà gái, mỗi người một phần.  Nhiều khi bên nhà gái, bà con họ hàng đông, thì khổ cho gia đình chú rễ.  Đến khi cưới thì nhà gái thách cưới nữ trang, tiền nát (tiền mặt). Nhiều khi nhà trai không đủ khả năng cũng phải đi vay mượn.  Đến khi cưới về họ lấy lại hết để trả nợ. Người vợ sau khi lấy chồng “xuất giá tòng phu”, có người không có dịp về thăm gia đình. Cũng có những người đàn bà bất hạnh bị gia đình chồng hành hạ cả đời.

 

Đã vậy còn có tục tảo hôn, tục này đa số hồi xưa ở ngoài Bắc. Hai gia đình hứa hôn từ khi còn trong bụng mẹ hoặc bạn bè kết suôi gia với nhau. Chưa đến tuổi trưởng thành, hai đứa bé đã cưới nhau. Có khi oái oăm, cô vợ lớn tuổi hơn chồng. Về nhà chồng phải quán xuyến mọi việc trong gia đình, còn lo chăm sóc cho ông chồng con nít như chị trông em. Chồng lớn lên đi xuống tĩnh học để lo công danh, vợ ở nhà phụng dưỡng gia đình chồng.

 

Người chồng gặp người yêu trẻ đẹp hơn thì ngang nhiên lấy làm vợ. Người vợ ở quê mang tiếng là vợ cả nhưng chẳng được gì ngoài việc quần quật phục vụ nhà chồng như kẻ giúp việc không công. Đã vậy mà khi bị chồng phụ bạc cũng không một lời oán thán mà còn nài nỉ:

 

“Chàng ơi phụ thiếp làm chi

Thiếp là cơm nguội đỡ khi đói lòng”

 

Tội nghiệp cho thân phận đàn bà ngày xưa biết bao nhiêu.

Sau đây là những trường hợp đã xảy ra trong gia đình bà con nội, ngoại của chúng tôi về tệ nạn ép duyên.

 

Tôi có bà cô thứ hai bị ép duyên. Bà nhất quyết không chấp nhận; nhưng hồi xưa con nhà tử tế đâu dám bỏ nhà đi hoang. Vả lại hồi đó ông nội tôi đang làm Chánh tổng nên bà con làng xóm sợ ông nên không ai dám chấp chứa nên cô phải leo lên nằm trên máng xối{ hồi xưa nhà lá mái hai ba gian nối tiếp nhau ở giữa có máng hứng nước mưa}. Cô leo lên đó nằm ngày này qua ngày khác. Có người đưa cơm nước lên cho cô ăn. Đến tối, chờ mọi người đi ngủ hết cô leo xuống làm vệ sinh. Cho đến một hôm ông nội tôi tình cờ dòm lên thấy chén  đũa ăn cơm trên máng nước. Ông khám phá ra, lôi đàu xuống bắt phải  làm       đám cưới. Bà không chịu đi, phải lấy võng mà khiêng. Từ Hòa Vinh đến Hòa thịnh bây giờ đi xe thì không lấy gì làm xa nhưng hồi đó đi bộ thì khá xa!

 

Khi về nhà chồng, hễ tối đến là cô vô phòng khóa cữa lại không cho ông vô. Ông phải đi chỗ khác mà ngủ. Hôm nào ông vô trước, thì bà ra chuồng bò mà ngủ. Thời gian lâu sau không hiểu sao bà đổi ý. Sau này hai người yêu thương nhau khắng khít còn hơn nhưng cặp vợ chồng bình thường. Sau đó sinh được năm người con ba trai, hai gái. Ai cũng đẹp trai, xinh gái.

 

Đó là chuyện thời phong kiến bên nội của tôi. Còn chuyện bên ngoại tôi xảy ra cũng chỉ mới thời đệ nhất Cộng Hòa. Tôi có ông cậu họ ở  Sài gòn. Ông rất gia trưởng. Gia đình có sáu người con , ba trai, ba gái. Ba ông con trai thì ông nào cũng đẹp trai, lại đào hoa. Nhất là ông anh thứ nhì, vợ con bồ bịch đếm không hết. Trong khi đó, ba chị con gái chị nào cũng công dung ngôn hạnh vẹn toàn chưa hề yêu lần nào trước khi đi lấy chồng.

 

Chị  con gái lớn có nét đẹp phúc hậu. Chị gả cho một anh ở Bà Chiểu. Gia đinh hồi xưa khá giả (nhưng  đến khi lấy chị thì gia đinh cũng đã sa sút). Anh là con một, hiền lành, nhưng vì quá hiền lành nên trông anh có vẻ lù đù. Chị không hề yêu nhưng không dám cãi lời cha mẹ. Lấy anh nhưng không bao giờ chị hài lòng. Gia đinh chồng trước đây giàu có.  Cột nhà làm bằng đồng nên mổi khi ngồi nói chuyện chơi với chị, em chị cứ kêu chồng chị là ”ông cột đồng gõ bon  bon” nửa đùa nửa ngầm trách ba má chị . Chị sống âm thầm, cam nhẫn cho đến khi lìa đời không có đứa con nào.

 

Còn chị thứ nhì có nét đẹp Tây phương. Chị gả cho một gia đình cũng bạn bè tương xứng nhau. Lúc ấy anh là sinh viên đang học ở Đà lạt; đang có người yêu nên bị gia đình ép lấy vợ anh cực lực phản đối nhưng rồi cũng không qua khỏi quyền uy của cha mẹ; cuối cùng rồi củng cử hành hôn lễ.

Đêm tân hôn anh uống rượu say li bì. Vào phòng anh ngủ vùi chẳng ngó ngàng đến chị, nhưng chị vẫn mặc nguyên bộ đồ cưới ngồi dưới đuôi giường không nằm không nói năng gì mãi cho đến trời sáng. Chị vẫn tỉnh táo, thay quần áo ra chào cha mẹ chồng và làm công việc nhà. Anh là con cả, nhà lại đông em, mỗi sáng chị dậy sớm giặt không biết bao nhiêu thau quần áo, nào đi chợ, nấu cơm quáng xuyến hết việc nhà.

Hai anh chị đóng kịch thật khéo. Chị không hề than thở hoặc tiết lộ điều gì cho hai bên gia đình biết. Chị vẫn chịu đựng không tâm sự với ai. Chính đức hạnh của chị lâu dần đã làm anh thay đổi cách cư xử.  Anh bắt đầu biết quan tâm đến chị, anh quí mến và thương yêu chị. Sau này con cái đầy đàn, gia đình hạnh phúc.

 

Còn chị thứ ba rất đẹp. Tôi nghĩ nếu chị đi thi Hoa hậu, nếu không đoạt giải Hoa hậu cũng Á hậu. Năm đó chị mười tám tuổi, còn đang đi học. Ba chị có ông bạn thân, ông này rất giàu, có nhà ở bên Pháp. Ông có hai người con, anh con lớn sang Pháp học. Anh này lớn hơn chị bảy tuổi.  Hai ông hứa làm suôi với nhau. Chị không chịu, nhưng trước áp lực gắt gao  của gia đình, chị đành im lặng chấp nhận.  Đến ngày cưới, không kềm nỗi uất, chị té xỉu bất tỉnh.  Mọi người phải lo xoa bóp cho chị tỉnh lại, rồi tiếp tục cử hành hôn lễ.

Anh thì rất thương chìu chị nhưng gặp phải bà mẹ chồng vừa keo kiệt, vừa khỏ tánh. Bà bắt lỗi chị đủ điều (mặc dù chị đươc giáo dục chu đáo, luôn lễ phép với mọi người. Nói chuyện với ai, lúc nào cùng dạ,thưa) hành động nào của chị, cũng bị bà khiển trách. Khi chị có thai đứa con đầu lòng một hôm chị thèm hột vịt lộn.  Chồng chị nhờ người giúp việc mua cho chị ăn. Bị bà mẹ chồng thấy được, bà hỏi mua hột vịt lộn cho ai. Anh sợ mẹ nên nói tránh là mua cho con chó berger ăn; và còn rất nhiều cay nghiệt khác…..Mặc dù bị ép gả nhưng chị sợ cha mẹ buồn nên không bao giờ chị nói ra cho ai biết những khổ nhục ở nhà chồng. Tôi với chị rất thân thương nhau và cùng trang lứa nên sau này chị mới tâm sự cho tôi biết đôi chút.

Vài  năm sau, ông cha chồng mất; tiếp đến bà mẹ chồng. Ít tháng sau, chồng chị bịnh nặng phải đưa vào nhà thương Grall. Lúc này chị vừa sinh được đứa con thứ hai. Chị nhờ người thân trông coi con, vào nhà thương túc trực bên anh. Nhưng rồi cũng không qua khỏi số mệnh, anh vĩnh viễn ra đi. Năm đó chị mới hai mươi hai tuổi.

Chuyện đời không biết đâu mà nói. Ngày trước chị không thương bị ép duyên chị ngất xỉu; bây giờ tôi ít thấy ai thương chồng và chung thủy như chị.

Sau khi anh qua đời, ngày này qua tháng nọ chi không nằm trên  giường mà trước đây hai vợ chồng nằm. Chị cứ ngồi dưới chân giường, dựa vào vách mà ngủ ngồi. Không ngủ được, chị chong đèn đi tới đi lui nên hàng xóm nhìn lên lầu thấy bóng chị họ đồn trong nhà có ma. Từ ngày chồng chết, chị không trang điểm,không ăn diện, ít giao tiếp. Hai cô con gái được chị dạy dỗ rất chu đáo. Chị cũng lo cho ông em chồng rất cấn thận. Lúc nào cũng giữ lễ, tới bữa ăn chị dọn cho  người em ăn trước.  Sau đó chị với các con mới ăn sau .  tháng 4 năm 1975, người em chồng di tản sang Mỹ mang theo hết tất cả  tư trang, vòng vàng hột xoàn. Chị chỉ còn lại căn nhà . Sau khi VC cưỡng chiếm miền nam vào Sài gòn, thấy nhà rộng lớn, họ định tịch thu mấy lần nhưng một phần nhờ phước đức và sự cương quyết của chị  mà họ không lấy được nhà.  Còn các dãy phố cho thuê và đồn điền ở Bảo lộc, VC đều tịch thu hết. Mặc dù cuộc sống lâu nay của chị rất khó khăn, nhưng căn nhà ba tầng lầu rộng rãi bao nhiêu người hỏi mua chị vẫn không bán, cố giữ gìn gia sản cho nhà chồng, lo cúng giỗ thật chu đáo. Góa chồng ở tuổi 22 còn rất trẻ đẹp, nhưng chị vẫn ở vậy thủ tiết thờ chồng không bước thêm bước nữa mặc dù có nhiều người theo đuổi. Tính tình chị rất rộng rãi, cư xử rất tốt với mọi người.

Tôi nghĩ đùa nếu đức Khổng tử sống lại ông sẽ trách ”Con không biết tùy thời, con đã làm hơn những gì ta dạy”.

 

Tôi không dám chê bai bậc thánh hiền, nhưng xét cho cùng những giáo điều của đức Khổng Tử thiên vị nhiều hơn cho tầng lớp quyền quí và phái đàn ông. Hai người cùng phạm tội ngoại tình, tại sao người nữ bị hình phạt dã man, thả bè trôi sông còn người nam thì ít tội hơn?

 

“Trai năm thê bảy thiếp

“Gái chính chuyên chỉ lấy một chồng”

 

Cái bảng “Tiết hạnh khả phong” người đời gán cho đã giết chết cuộc đời bao nhiêu góa phụ trẻ, không dám bước thêm bước nữa ở vậy để thờ một bóng ma. Lại còn làm tôi mọi cho nhà chồng và còn nhiều cái vô lý nữa nói không thể hết. Đồng ý là những giáo điều  của ngài có những cái hay là giữ vững luân thường đạo lý làm người; nhờ vậy mà xã hội bớt đi những  tệ nạn nhưng không phải  điều gì cũng đúng còn tùy thuộc  bối cảnh thời đại, văn hóa của mỗi nơi.

 

Đó là chuyện trước đây, còn thời chúng tôi cũng khắc khe nhưng đỡ hơn vì còn  được cha mẹ cho con gái đi học (thời xưa các cụ cứ nghĩ con  gái đi học để viết thư cho trai}.  Chúng tôi có dịp tiếp xúc với bạn trai ở trường nhưng vẫn giữ khoảng cách, không dám thân cận yêu thương khi còn đi học . Lỡ hẹn hò với bạn trai, gia đình biết được thì bị đòn và bắt phải chia tay. Nhiều khi “ Tình trong như đã mặt ngoài còn e”. Người nam thì không dám tỏ tình; người nữ thì sợ tai tiếng nên lúc nào cũng tránh né, chỉ lén tỏ tình bằng thư (nếu  gặp nhau không dám nói). Những cuộc tình này đẹp biết là bao! Ngày  trước nhiều tác phẩm  văn chương, thơ phú  lãng mạn, sâu sắc và vô cùng cao đẹp. Những mối tình này” Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên”. Tôi yêu mối tình trong sạch và cao thượng  của Loan và Dũng trong “Đoạn Tuyệt” của Nhất Linh. Nó đẹp làm sao! Về sau cả hai không có gì để mặc cảm, để hối hận.  Mãi mãi vẫn  giữ trong lòng sự  ấm áp ,đẹp đẽ .

 

Có những cuộc tình chưa kịp ngõ, nhưng vì một lý do nào đó người con gái đi lấy  chồng. Hối tiếc thì đã muộn. Những mối tình này mới là khó quên.

 

“Yêu một khắc, để man sầu trọn kiếp. Tình mười năm còn lại mấy tờ thư”. VHC

 

Hoặc “Có khi chỉ nửa nụ cười. Mà ta phải phải mất cả đời chẳng quên”

 

Còn tình yêu thời @ này thì sao?  Khoa học, kỷ thuật tiến bộ thì nhịp độ của tình yêu cũng thay đổi . Này nhé, ngày xưa đâu có cell phone nên chờ thư đêm ngày. Bây giờ có cell phone, tha hồ nói chuyện, tỏ tình, hẹn hò, từ chuyện xa đến chuyện gần. Ôm phone nói chuyện quên ngủ. Nhìn mặt nhau qua phone mãi rồi cũng chán, chẳng còn gì để nhung nhớ. Nhất là thời buổi bây giờ, các cô cậu ít chịu nghe lời cha mẹ. Thích độc lập, tự do; thích ra ở riêng. Ngày xưa  ở VN, hầu như ai cũng có nếp sống “Tam đại đồng đường”. Ông ,bà, cha, mẹ, con, cháu sống chung một nhà thật ấm cúng. Bây giờ thì khác, con cái trưởng  thành đã vỗ cánh bay xa. Nhiều gia đình chí còn hai ông bà già hủ hỉ bên nhau. Chẳng may ông hoặc bà đi trước, không thể sống một mình phải về ở với con. Nếu chẳng may gặp dâu chua hoặc rể đắng thì tủi thân vô cùng. Lối giáo dục nghiêm khắc như hồi xưa coi vậy mà cũng có nhiều cái hay. Những gia đình tử tế, họ không  muốn cưới những cô gái sống buông thả phóng túng. Lối sống tự do, không có sự ràng buộc, trách nhiệm với nhau, cuối cùng phần thiệt thòi vẫn là con gái.

 

Ngày xưa, con gái lỡ có thai mà không có chồng thì cha mẹ chẳng dám nhìn mặt ai. Còn bây giờ thì khác, tự do luyến ái, tự do phá thai, không sợ tội lỗi, nhân quả . Chẳng những vậy mà bây giờ các cô cũng chủ động trong tình yêu không còn bị động như hồi xưa. Thích anh nào thì gạ gẫm; ngay cả biết người ta có vợ con nhưng giàu có, danh vọng thì cũng không từ. Gặp phải những  ông ham của lạ thì không tha; cho nên có rất nhiều bà vợ  khổ sở về vấn đề này gây ra cảnh  bất hòa, ly dị, con cái bơ vơ.

 

Chưa kể bây giờ các cô còn lấy những cụ“ trâu già ưa gặm cỏ non “ đáng tuổi cha chú mình để được ra nước ngoài . Có những trường hợp vì gia đình khó khăn phải hy sinh để cứu giúp gia đình thì thông cảm và tội nghiệp cho họ. Nhưng nếu vì đua đòi, ưa hào nhoáng vật chất tầm thường thì thật đáng tiếc.

 

Đời người con gái chỉ có một lần, ta không thể tắm cùng một lúc hai lần trong một giòng sông.

Đông, Tây đều có những phong tục tập quán khác nhau; hay cũng nhiều mà dở cũng lắm. Chúng ta nên  học hỏi những điều hay không nên bắt chước những điều dở. Chẳng mấy ai thấy an vui khi nhìn lại quá khứ mình có tì vết.

 

Tôi nhớ một ai đó đã ví von tình yêu của người Tây phương như ấm nước sôi  bắt trên cái bếp lạnh; còn người Đông phương ví như  ấm nước lạnh bắt trên cái bếp đang có lửa. Tôi nghĩ cũng phần nào đúng.

 

Người Tây phương yêu nhau da diết vậy mà cưới nhau ít năm đã ly dị; thậm chí chỉ ít tháng. Nên có nhiều người trong đời đã trải qua ba bốn lần ly dị. Còn người Việt, nhiều cuộc hôn nhân ép uổng  nhưng về sau lại thương nhau,  sống hạnh phúc. Một trong hai người sẽ tìm thấy ở người kia có những đức tánh tốt; sẽ cảm hóa được nhau. Còn hơn là lúc đầu chỉ toàn thấy cái đẹp, lý tưởng; khi về ăn ở với nhau những tánh xấu lộ ra còn thất vọng nhiều hơn.

 

Thời gian đi qua không bao giờ trở lại. Chỉ có thời con gái là hoa mộng đẹp đẽ nhất khi  mới bước vào tuổi yêu đương. Sao phải đánh mất đi những gì quí giá để lấy một người mình không yêu chỉ vì giấc mộng đổi đời. Tội nghiệp cho những người đàn bà không có thời con gái.

 

Nói gì thì nói người nữ bao giờ cũng khổ cực và thua thiệt hơn người nam dù ở vào thời đại nào. Ngày nay không biết bao nhiêu nữ giới thành đạt ngoài xã hội. Dù bà Tổng Thống hay Thủ Tướng cũng không khỏi mang nặng đẻ đau. Còn bao nhiêu áp lực của gia đình; vẫn còn bị kỳ thị giới tính ở một số nước. Ông bà ta ngày xưa thường nói “Tu chín kiếp mới sinh ra làm thân nam”.  Vậy quí ông hãy nên trân quý và đừng làm tổn thương người bạn đời của mình.

 

Chúc mừng cho những ai lấy được người mình yêu và có được mái ấm gia đình hạnh phúc.

 

TÂM BÌNH


No comments: